Trong giai đoạn gần đây mình thường hay suy nghĩ và chiêm nghiệm về cuộc đời của riêng mình. Mình cũng không còn quá trẻ để mà mơ mộng những chuyện viễn vông nữa. Mình cũng trải qua một quá trình để trưởng thành tuy không vấp váp nhưng cũng không dễ dàng. Và rồi mình nhận ra trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, mình lại có những mong ước và mục tiêu khác nhau, nhưng tất cả đều tựu trung lại ở một điểm là mong cho cuộc đời mình được tiến bộ hơn, được tươi mới hơn cái phiên bản cũ kỹ chứa đựng ẩn ức thua thiệt của mình trong tuổi thơ.
Cái thời sinh viên mới ra trường, mình quá nghèo. Mình chỉ mơ ước có được một công việc lương kha khá, có tiền lương thì mình sẽ chi tiêu cho những thứ mà trước đó mình chưa từng được trải qua, chưa từng dám vào một quán ăn ngon, chưa từng mua cho ba mẹ món quà nào, chưa từng tự tin dẫn em út mình vào quán và dõng dạc bảo: mấy đứa ăn uống thoải mái, hôm nay chị trả tiền. Và mình cũng chưa từng mua cho bản thân một món đồ nào giá trị. Vậy nên những năm đầu mới ra trường, mình không có ý thức dành dụm cho lắm. Thuở ấy mình bị cuốn vào vòng xoáy hưởng thụ. Ngẫm ra lương mình cũng khá so với bạn bè cùng lứa, nhưng mình bị những cám dỗ vật chất, những ám ảnh nghèo nàn đeo bám khiến cho những đồng lương hàng tháng cứ hết sạch veo, vừa đủ chi tiêu chứ chẳng tiết kiệm được gì cả.
Đến giai đoạn sau đó, khi mình đã nếm trải được mùi vị của những thức ăn ngon, tự mua sắm cho mình quần áo đẹp hay những vật dụng mà trước đây mình chẳng dám mua, được tiêu tiền cũng khá thoả thích trong khả năng kiếm được, thì mình bắt đầu một câu hỏi như bao người: vậy mục đích cuộc đời mình là gì? Có phải chỉ đi làm kiếm tiền rồi tiêu tiền như vậy chăng. Dù rằng sự chi tiêu của mình cũng không có gì quá trớn, cũng không bị sa vào cảnh nợ nần, hay vì lối sống đề cao hưởng thụ mà mình phải chạy theo đồng tiền vất vả. Nhưng với mình, khi sắp đạt đến giới hạn thì tự dưng cơ chế phòng thủ bản năng được kích hoạt. Mình không cảm thấy thiết tha chuyện mua sắm ăn uống và chi tiêu cho những nhu cầu bất chợt nữa. Mình bắt đầu tìm kiếm một mục đích sống mới mẻ hơn.
Vào thời điểm đó xã hội bắt đầu đề cao những người đi được nhiều nơi trên thế giới, trải nghiệm được nhiều điều mới mẻ, mở rộng thế giới quan hơn. Và tất nhiên, điều đó cũng tốn tiền. Mình lại lao vào một giai đoạn đam mê làm lụng kiếm tiền để du lịch. Mình có được một nhóm bạn đồng nghiệp thích du lịch, cùng nhau tiết kiệm để một năm đi chơi với nhau được đôi ba lần. Mặc dù chưa đi được xa nhưng mỗi lần khám phá một địa điểm mới, được vui chơi thoả thích, tụi mình như được nạp thêm năng lượng, và càng đi lại càng mê, thích trải nghiệm khám phá nhiều hơn nữa. Khi ấy bắt đầu xuất hiện các travel blogger, những nhóm đi phượt, những nhóm du lịch hoang dã, những bạn đi kiểu check-in… và rất nhiều loại hình du lịch ra đời. Khả năng của mình cũng có hạn, mình không thể gom hết tiền bạc vào mỗi chuyện du lịch được. Và hơn nữa việc du lịch của mình và đám bạn, bản thân nó không sinh ra giá trị nhiều nữa, ngoài việc vui vẻ trong vài ngày và những ngày sau đó lại bứt rứt nỗi âu lo về tiền bạc. Mình bắt đầu cảm thấy thua thiệt, again. Luôn luôn là như vậy. Khi ta cứ chạy theo điều mà xã hội định hướng, rồi cũng đến lúc ta hụt hơi, không chạy theo được nữa thì sẽ cảm thấy bản thân thua kém, mất định hướng.
Mình đã phải chật vật vượt qua tâm lý thua kém đó, vượt qua bản ngã của mình, đọc rất nhiều sách, nghe rất nhiều lời khuyên đúng đắn từ những người uyên bác… để đi qua giai đoạn chông chênh tuổi trẻ đó. Mọi chuyện xảy ra trong cuộc đời đều có nguyên do. Để chiêm nghiệm thì ta cần phải trải qua thứ gì đó, chứ không thể nghe mỗi lý thuyết suông được. Cũng chính vì trải qua quá trình đua đòi, hưởng thụ, đặt mục đích cuộc sống dựa trên những gì mà xã hội và bạn bè xung quanh đang theo đuổi, chi tiêu tiền bạc vô tội vạ, mình mới nhận được bài học quý giá cho sau này.
Những năm đi làm và theo đuổi mục tiêu kiếm tiền để hưởng thụ của mình dần kết thúc kiểu như vậy. Đến khi nhận ra, mình cũng không còn trẻ lắm, nhưng vẫn kịp để thay đổi. May mắn vào thời điểm ấy mình gặp được người yêu (chồng mình) là người đã hun đúc cho hành trình quản lý tài chính của cả hai, cũng là người đồng hành với mình trong hành trình hiểu về bản thân. Mình cũng học được nhiều bài học giá trị hơn trong quá trình đi làm sau này. Cứ đến giai đoạn mà bản thân mình “lớn” lên một nấc, mình lại tiếp tục hỏi: ý nghĩa cuộc sống là gì? Mỗi ngày thức dậy đi làm, có mặt ở công ty 8 tiếng đồng hồ, làm những chuyện tương tự và đợi lương mỗi tháng, đợi tăng lương mỗi năm, đợi cuộc đời mình trôi theo lịch trình lặp lại dường như bất tận, mình lại một lần nữa hoài nghi về mục đích sống. Cũng nhờ theo dõi những người có ảnh hưởng và bản thân họ cũng từng trải qua các cung bậc cảm xúc như mình lúc ấy, mình đã hiểu ra chỉ khi nào mà mình tạo ra những giá trị có ích cho đời thì đó là lúc mình cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa nhất, niềm vui của mình mới bền vững theo thời gian nhất. Vật chất và sở hữu chỉ đem lại niềm vui tức thời mà thôi. Mua được chiếc đồng hồ xịn, vui được 3 ngày. Mua được chiếc máy ảnh xịn, vui được 1 tháng. Vượt qua được nỗi sợ hãi của bản thân, làm được việc mà trước giờ chưa từng làm được, niềm vui cứ lâng lâng kéo dài và cứ nghĩ đến lại thấy vui. Đó là lúc mình thay đổi khái niệm về chuyện sống, đi làm, kiếm tiền và cách tận hưởng cuộc sống này.
Nói riêng về việc mơ ước, trong tâm khảm mình vẫn luôn mơ ước về một tổ ấm sum vầy và một “cô Đào” có dấu ấn trong lòng mọi người. Tuổi trẻ đã trải qua với nhiều mơ ước ngắn hạn như kiếm thật nhiều tiền, hay đi được nhiều nơi, hoặc mua sắm được nhiều thứ… càng cho mình thêm chắc chắn rằng những điều đó chưa bao giờ là mơ ước thật sự của mình. Tất nhiên ở mỗi giai đoạn, người ta cần có mơ ước, hay mục tiêu để đạt tới, để cố gắng. Nhất là khi nhìn ra bên ngoài, nhìn lên mạng xã hội, mình thường xuyên gặp được những người thành công, nổi tiếng vì đem lại những giá trị cho xã hội. Mình cũng luôn mơ ước mình có thể làm được như họ. Nhưng sâu thẳm bên trong, mình hiểu là những ẩn ức tuổi thơ chưa bao giờ biến mất. Vì hoàn cảnh mà gia đình mình cứ phải luôn chuyển nhà, chưa được ổn định chỗ ở. Mình cùng với ba mình đã hàng trăm lần ngồi vẽ với nhau những bản thảo về một ngôi nhà trong mơ, có căn phòng như thế này, có góc bếp như thế nọ, có khoảng sân vườn như thế kia. Vì hoàn cảnh mà khi lấy chồng mình cũng bôn ba đi khắp nơi chứ chưa hẳn ổn định một chỗ. Mình đã học được cách thích nghi với việc đó rồi… Nhưng thực sự trong tâm khảm, mình luôn mơ ước về một tổ ấm an yên thật sự, không phải chuyển đi đâu nữa. Đó là một trong những mơ ước luôn thường trú trong tâm hồn mình.
Vào mỗi giai đoạn, mình có những mơ ước khác nhau. Nhưng mấy năm gần đây, mình có một mơ ước thường trực khác, đó là bản thân mình sẽ làm một công việc gì đó vừa kiếm được tiền, vừa tạo ra giá trị đóng góp cho xã hội, được mọi người công nhận và yêu mến. Mình chưa tìm ra đó là gì, nhưng mình luôn hướng tới và luôn học hỏi, trau dồi cho bản thân để khi thời điểm thích hợp đến, mình sẽ nắm lấy và làm được. Nhưng có lẽ, một cuộc sống cân bằng và đem lại hạnh phúc cho những người thân thiết quanh mình đã là một mơ ước to lớn đối với mình lúc này. Khi biết tin có em bé, trong đầu mình lại bắt đầu mơ ước mình sẽ nuôi dạy nó thật cẩn trọng, với tình yêu thương và cả sự khôn ngoan, với tất cả những gì mình đã học được từ cuộc đời mình, từ sai lầm của mình. Và mình bắt đầu cảm thấy hành trình đó cũng khó khăn như bao hành trình khác của cuộc đời. Có con, đó là điều mà không ai được dạy phải đối diện như thế nào và làm sao để thành công, dù cho hàng nghìn cuốn sách về nuôi dạy con được xuất bản trên thế giới, cũng không ai biết chắc được mình sẽ thành công hay là không. Tuy vậy cứ luôn phải cố gắng thôi. Có ước mơ chính là khởi đầu của mọi sự cố gắng và ước mơ càng mãnh liệt, ta càng có thêm động lực để cố gắng mỗi ngày.
Mình tin mọi sự đến trong cuộc đời chúng ta đều có một nhân duyên nào đó sắp đặt. Như khi mình đang hừng hực khí thế để “one step back two steps forward”, theo như mục tiêu của mình ban đầu là nghỉ việc để thay đổi môi trường, tạo cú huých cho bản thân cố gắng hơn, làm mới mình hơn, nghỉ việc không phải để đi lùi mà để dấn thân, khai phá thêm năng lực của bản thân, thì mình biết tin bé Mori hiện diện trong bụng mình. Vậy là những kế hoạch về sự nghiệp của mình tạm gác qua một bên để tập trung sức khoẻ, tinh thần chào đón em bé. Thay vì học những kỹ năng mới cho công việc, thì sắp tới mình phải học cách nuôi con, chăm con và dạy con. Một điều gì đó rất mới mẻ đến trong cuộc đời mình, mặc dù hơi chệch hướng so với dự định ban đầu nhưng đây có lẽ chính là bài học mà cuộc đời đem đến để mình biết học cách thích nghi và chấp nhận mọi thứ.
Những mơ ước về sự nghiệp riêng vẫn luôn hiện hữu ở đó trong lúc mình cũng vừa mơ ước những điều cho đứa con bé bỏng của mình nữa. Mình là một con người luôn thích cân bằng giữa thứ này và thứ kia nhưng liệu năng lực của mình có đủ để cân bằng hay không? Phải đợi trải nghiệm thêm rồi mới kết luận được.
Có lẽ khi ta mơ ước một điều gì đó, ta phải thực sự dồn hết tâm huyết để thực hiện nó cho trọn vẹn, rồi mới tiếp tục mơ ước đến chuyện khác. Có lẽ ta không nên quá tham lam có nhiều mơ ước cùng một lúc. Nhưng mình không thể ngừng mơ ước, và không thể ngừng cầu nguyện cho mọi thứ mình mơ ước cũng đang trên hành trình đi đến với mình, như mình đang đi đến với nó vậy. Có lẽ, khi ta ngừng mơ ước thì khi đó ta không sống nữa. Và để thực sự sống, ta phải từng bước thực hiện mơ ước của mình, dù là những bước đi rất nhỏ, rất chậm đi chăng nữa.
Có một câu mình đọc được như thế này, và cũng là để kết lại bài viết hơi dài của mình, hi vọng mình sẽ luôn giữ được tinh thần lạc quan, đầy ước mơ nhưng cũng tìm cách hiện thực mơ ước của mình: “Thế giới cần những người mộng mơ. Thế giớ cũng cần những người hành động. Nhưng trên hết, thế giới cần những người mộng mơ biết hành động.”
…
Mình viết để trút bỏ một tâm tư nặng trĩu trong lòng, khi đang mang thai mà vẫn cứ suy nghĩ mông lung về sự nghiệp, cuộc đời, không biết cuộc sống của mình sau khi có con sẽ trở nên như thế nào, mình có thực hiện được những ấp ủ của mình, những ước mơ về cân bằng sự nghiệp và gia đình hay không.
Mình mơ ước rất nhiều.