Lên tiếng không có nghĩa là tiêu cực

Viết bởi Cô Đào vào 2021-08-28
Chủ đề:

Untitled.png

Tôi biết những ngày này, và nhất là trong thời đại này, người ta né tránh hai chữ “tiêu cực” và thích những cụm từ như “năng lượng tích cực”“tĩnh tâm”“thiền định” hòng nhắc nhở nhau bảo vệ lấy nội tâm và tránh xung đột nhiều nhất có thể. Bởi xung đột được xem là thứ không đem lại lợi ích và thậm chí còn gây tổn thất cho mọi người, theo lối sống của thời hiện đại.

Những kỳ lạ thay bao đời nay, trong những giai đoạn hỗn mang như thiên tai, đại dịch, bất ổn chính trị xã hội, loài người chúng ta luôn nảy ra xung đột dữ dội, chưa kể đến những xung đột nhỏ xảy ra trong đời sống thường ngày, và xảy ra trước những giai đoạn lịch sử. Những xung đột nhỏ thì như sóng gợn mặt hồ, nhưng dần dần qua thời gian nó trở nên sóng sâu biển cả và chờ thời điểm thích hợp để tạo nên cơn bão. Tuy ta không nói ra, nhưng bản thân mỗi người đều theo đuổi một hệ tư tưởng nhất định được tích luỹ qua quá trình tiếp nạp giáo dục, tiếp nạp thông tin, và nó khác biệt. Chính sự khác biệt là điều tạo nên xung đột. Nhưng cũng chính nhờ có xung đột, loài người mới có cải cách, có tư duy phản biện, có tiến bộ và phát triển.

Vậy bạn nghĩ xem, nếu không có những người mạnh dạn lên tiếng mà không sợ xung đột, nếu những tư tưởng chỉ được nghĩ trong đầu mà không nói ra, viết ra hay thể hiện ra dưới nhiều hình thức, thì thế giới chúng ta có phát triển đến ngày nay?

Hơn nữa, tôi cũng muốn xác định lại cho rõ, như thế nào thì gọi là tiêu cực.

Bản thân tôi, từ trước đến nay luôn là người quan tâm đến tình hình chính trị xã hội, luôn thích tìm hiểu về tầm nhìn, giải pháp, chiến lược, chính sách… không chỉ đối với xã hội, mà còn trong tổ chức, trong lối sống cá nhân. Tư duy nhìn bao quát vấn đề và nhìn vào bản chất của mọi thứ đã được hình thành từ thuở nhỏ, trong giáo dục gia đình, rồi khi lớn lên, việc theo học chuyên ngành về xã hội cũng kích thích tính ham bình luận về chính trị xã hội trong tôi.

Khi còn học đại học, chúng tôi phải làm rất nhiều đề tài về xã hội, về môi trường, về lịch sử và chính trị. Để cho thực tiễn, những đề tài nghiên cứu của chúng tôi được khuyến khích có thể áp dụng vào cuộc sống thực tế, có thể lấy mẫu từ sự kiện xã hội và nghiên cứu dựa trên đó. Có lần, tôi đã làm một đề tài về “văn hoá hàng rong ở Sài Gòn” và vô tình ngay chính lúc ấy, thành phố có những dự thảo về dẹp bỏ hàng rong để làm đẹp cho thành phố. Đề tài của tôi đi ngược với chính sách của thành phố khi đó và gây tranh cãi cũng như phản biện rất nhiều khi trình bày. Rồi chính lúc tôi đang học năm 3 thì cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra (vào khoảng năm 2008 - 2009), chúng tôi lúc đó cũng đang học những môn học về tình hình chính trị, bang giao các nước, và thế là có rất nhiều đề tài được đưa ra mổ xẻ, nghiên cứu dựa trên tình hình xã hội thực tế. Nguồn cảm hứng cho tôi tiếp tục nghiên cứu, thảo luận lại chính là những đề tài thiết thực và gần gũi trong cuộc sống chứ chẳng đâu xa. Và tôi nhận ra, chính trị là một điều gì đó rất gần gũi và ảnh hưởng rất nhiều đến chén cơm để ăn, đến bầu không khí để hít thở của mỗi người.

Nhưng nhiều lúc, khi thể hiện quan điểm, chính kiến của mình về những vấn đề xã hội đương thời, tôi bị quy kết là một kẻ tiêu cực, cứ thích bới móc những chuyện xấu xa ra để bàn luận.

Tôi không hiểu vì sao mọi người cho rằng hành động cất tiếng nói của mình lại trở thành một điều tiêu cực? Có lẽ vì cuộc sống của chúng ta hiện nay đang tồn đọng rất nhiều mặt tối, mà hễ cứ đem phơi bày mặt tối thì nghĩa là tiêu cực chăng? Hãy nhớ cuộc sống không chỉ có màu hồng, cuộc sống không chỉ có những bức tranh tươi đẹp, những viễn cảnh sáng lạn. Nếu tất cả mọi người chỉ tập trung nhìn vào điểm sáng mà quên đi những điểm tối còn tồn đọng và cần phải giải quyết, thì xã hội này sẽ đi về đâu. Chúng ta có thể sống bằng niềm tin giả dối rằng: rồi mọi thứ sẽ tốt đẹp thôi, mà không nghĩ rằng muốn có được điều tốt đẹp thì phải loại bỏ dần những cái xấu ra khỏi nó sao?

Người lên tiếng không phải là người tiêu cực. Với tôi, tiêu cực nghĩa là khi chúng ta cố tình bới móc tìm lỗi, cố tình xoáy vào cái lỗi ấy và không đưa ra một giải pháp hay lối thoát nào cho nó. Chúng ta chỉ trích chê bai nhưng không đưa ra biện pháp gì đóng góp xây dựng. Nhưng công việc của người lên tiếng giống như công việc của một nhà giáo vậy. Nó hoàn toàn không tiêu cực. Những người này nhận ra vấn đề trong khi người khác chưa nhận ra, họ có khả năng phân tích, có dẫn chứng, có dữ liệu và có kết luận, và họ mong muốn được phổ biến những kiến thức, những dữ liệu mà họ biết cho rộng rãi công chúng. Họ mong muốn truyền đạt đi tiếng nói của mình, quan điểm của mình cho nhiều người cùng biết, và để cho tiếng nói của họ được cộng hưởng cùng tiếng nói của những người đã nhận ra vấn đề giống họ, nhằm chấm dứt hoặc thay đổi một điều gì đó tệ hại đang diễn ra. Tất nhiên những người này chưa đủ thẩm quyền để thay đổi nó, và họ không chắc những người có đủ thẩm quyền thì có nhận ra được hay không, do đó việc lên tiếng là cần thiết.

Bởi thế hãy nhìn lại nhiều cuộc đấu tranh cách mạng trong lịch sử, người ta rất chú trọng đến tiếng nói của tầng lớp sĩ - công - nông, xếp hạng kế tiếp nhau. Bởi ngay cả những người lãnh đạo họ cũng có lúc nhầm lẫn và không thể sáng suốt ra quyết định, họ cần lắng nghe tiếng nói từ những tầng lớp này. Sĩ là tầng lớp trí thức, đọc nhiều hiểu rộng. Công và nông là những người trực tiếp thực nghiệm. Nếu những khó khăn, vướng mắc không được nói ra, không được đến tai tầng lớp lãnh đạo, thì làm sao có một sự dung hoà lợi ích cho tất cả mọi người, làm sao chúng ta chiến thắng trong những cuộc cách mạng lịch sử?

Lên tiếng tất nhiên gặp xung đột. Bởi chắc chắn có những tiếng nói khác mâu thuẫn với chúng ta. Có những tư tưởng khác hoàn toàn đối lập với chúng ta. Và khi đó vấn đề sẽ được bàn luận, soi xét kỹ hơn. Sau nhiều lần xung đột, loài người mới hiểu ra được chân tướng vấn đề và tìm ra một giải pháp tối ưu nhất, mang lại lợi ích cân bằng nhất, để cùng phát triển. Ngay cả giới khoa học là những người mà chúng ta đặt niềm tin vào họ nhiều hơn ai hết, thì họ vẫn luôn có xung đột với nhau. Một nhà khoa học tạo ra một tiền đề, hay chứng minh được một định luật, thì vài chục hay vài trăm năm sau, vẫn có những nhà khoa học khác lật ngược lại vấn đề và chứng minh điều trước đó là sai. Loài người chúng ta cần xung đột để tiến bộ.

Tôi thường thích bàn luận về chính trị xã hội, tôi thường thích phơi bày những mặt tối của xã hội và thích chia sẻ các phân tích của những người đưa ra được hướng giải quyết cụ thể cho từng vấn đề. Nhưng đồng thời, tôi vẫn sống lạc quan và có niềm tin rằng chúng ta rồi sẽ tìm được cách để cho thế giới này tốt hơn mỗi ngày. Tôi vẫn luôn tin vào điều tốt đẹp ở con người, và cũng ra sức đấu tranh bảo vệ lấy những điều tốt đẹp đó. Sau mỗi lần bị bội thực bởi nhiều tin tức tệ lậu, tôi tự tìm cách cân bằng bằng cách đọc những cuốn sách khai trí, khai mở nhân tâm, tìm đến những chuyện vui, những câu chuyện cảm xúc nhân văn để làm lòng mình thấy ấm lại. Nhưng hỏi tôi có dừng lên tiếng và dừng thể hiện quan điểm trước những mặt tối của xã hội không? Xin thưa là không.

Lên tiếng là một trong hành trình sống và phát triển của con người nói riêng, của xã hội và thế giới nói chung. Những người đã lên tiếng ắt hẳn họ không sợ xung đột và sẵn sàng lao vào xung đột. Có lẽ trong một giây phút không kiềm chế nào đó, những người lên tiếng trở nên hơi quá khích, hơi cực đoan. Nhưng chúng ta không thể dán nhãn rằng cả con người của họ là một con người tiêu cực. Bởi thực sự là, chẳng ai có thể sống trong tiêu cực được lâu cả, họ sẽ chết nếu họ cứ ở trong trạng thái như thế. Con người với bản năng sinh tồn, thì không chỉ bảo vệ lấy phần xác mà còn biết bảo vệ lấy phần hồn của họ nữa. Nên những gì chúng ta thấy được chỉ là bề nổi. Cân bằng chính là năng lực tự nhiên của loài người.

Và nếu ai đó nói rằng bạn quá tiêu cực vì chỉ chia sẻ những điều không vui, không tốt đẹp, thay vào đó khuyên bạn nên chia sẻ những điều tốt đẹp của cuộc sống, nên tĩnh tâm, thiền, từ bỏ… Bạn có thể nói họ hãy làm việc đó và giúp cuộc sống này cân bằng hơn bằng cách chia sẻ những điều tốt đẹp ấy thay cho bạn. Vì lên tiếng là một hành động, không phải một phong cách sống để mà dán nhãn tiêu cực hay tích cực.