Người ta đã ít nói với nhau hơn mấy ngàn năm trước. Hay chừng ngàn năm trước. Tôi không giỏi lắm về lịch sử, nên chẳng biết tổ tiên mình ngàn năm trước đã sáng tạo ra đầy đủ các con chữ và lời nói để biểu đạt cảm xúc với nhau chưa. Nhưng tôi biết chắc rằng, họ muốn nói, muốn chia sẻ, muốn bày tỏ với nhau rất nhiều.
Ngày nay ngôn ngữ càng phát triển thì hình như người ta càng ít muốn chuyện trò. Chuyện trò đúng nghĩa. Tôi không muốn nói đến các cuộc tranh luận trong công việc, các cuộc họp, hội thảo hay những ý kiến đưa ra trước công chúng theo kiểu truyền thông ngôn luận. Tôi muốn nói về một cuộc nói chuyện khi người ta đã xua đi những bộn bề, xua đi những bộ mặt đầy căng thẳng mang dáng dấp cơm áo gạo tiền hàng ngày.
Thuở nhỏ, thú vui độc đáo nhất của tôi là được nằm trên chiếc võng đung đưa kẽo kẹt ở nhà sau, dõng tai lên nhà trên nghe tiếng rì rầm nói chuyện của người lớn. Họ nói nhiều lắm. Tôi nằm nghe mãi, nghe mãi không hết chuyện. Rượu đã vãn, lại pha đến bình trà thứ ba, thứ tư, cho đến tận khi tôi thiếp đi rồi giật mình tỉnh giấc, vẫn còn nghe thấy tiếng tâm sự trầm bổng của nghững con người đã trải qua những cuộc mưu sinh đầy gian khó.
Ba tôi hay nói về chiến tranh, về thời bao cấp và thuở thiếu thời. Mẹ tôi thường kể về gia đình, về các cậu dì bên ngoại, về những bữa cơm đói lòng và thuở còn xuân xanh. Các bác bạn bè ba mẹ tôi cũng thế. Khi đã nói hết về quá khứ. Họ quay sang nói về con cái, về chuyện xã hội, về thị trường và những tệ nạn. Họ nói về thế giới, về triết học, về những người giàu, những người nghèo, về thế hệ tương lai, về cái chết và sự sống. Họ cũng nói cả những chuyện tiếu lâm hài hước và cười rất vô tư. Họ có thể nói với nhau nhiều đến thế, tôi ngạc nhiên.
Tôi gặp lại một người bạn cũ đã lâu. Chúng tôi cũng tự hào là đại diện cho một “thế hệ giao thời”. Giao giữa những cái truyền thống và hiện đại. Giao giữa thời xem Những cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad qua cái tivi trắng đen với thời đi đâu cũng thấy Ipad, Macbook trẻ trung sành điệu. Đại khái là chúng tôi sẽ may mắn hơn thế hệ sau này vì sẽ không phải tìm hiểu lịch sử quá nhiều. Khi mà thời tôi sinh ra, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn chưa mất và giọng hát Khánh Ly vẫn còn trong trẻo xanh tươi. Đại khái là như thế. Chúng tôi ngồi nói với nhau dăm ba chuyện của thời đã qua, nói về công việc, tình yêu, hiện tại và tương lai. Chúng tôi không nói nhiều, vì có lẽ vốn kiến thức còn hạn hẹp, trải nghiệm còn thiếu thốn và cuộc đời dư yên ả. Đúng hơn là chúng tôi không thể có nhiều chuyện để nói với nhau được như những người lớn ngày xưa. Lẽ nào cái lứa “giao thời” như chúng tôi còn chẳng có mấy điều để nói, hay là vì mình không muốn nhắc nhở nhau nhớ về điều gì cả.
Rồi tôi gặp một người bạn quen. Chúng tôi chào hỏi và kể cho nhau vài tin tức nóng bỏng vẫn thấy nhan nhản trên báo. Rồi cũng chẳng có gì để trao đổi hay tâm sự với nhau thêm nữa cả. Khi lòng người ngày càng muốn khép kín lại với nhau hơn. Giả mà tôi chia sẻ một dự định của mình, lỡ đâu không thực hiện được sau này họ sẽ cười tôi. Giả như tôi chia sẻ chút cảm xúc về một chuyện riêng tư nào đó, tôi sợ những ánh mắt cảm thông lấy lệ hay sợ những suy nghĩ nhạo báng trong đầu. Ai cũng sợ những điều mình nói ra từ sâu thẳm sẽ trở thành vũ khí chống lại mình vào một lúc nào đó. Chúng ta không chia sẻ những nỗi niềm riêng. Nhưng lại quá ít những nỗi niềm chung để cùng nhau nhớ về, cùng nhau hồi tưởng, hoặc cùng bàn bạc đến một tương lai.
Tôi không phải là người thích nói hay thích chuyện trò cho lắm. Nhưng tôi thèm có sự trao đổi, dù là một việc nhỏ nhặt đi chăng nữa. Tôi cũng từng nghe ai đó nói rằng: hiểu nhau thì chỉ cần nhìn vào ánh mắt của nhau mà không cần nói một lời nào cả. Nhưng như thế thì một ngày nào đó, chúng ta sẽ nói chuyện với nhau bằng ánh mắt hay sao. Và ngôn ngữ sẽ tự sinh tự diệt, kết thúc cái chu trình vô cùng ý nghĩa của nó, sinh ra để giúp cho loài người đạt đến đỉnh cao của giao tiếp là chỉ cần nhìn vào mắt nhau.
Tôi tưởng rằng công nghệ và khoa học hiện đại được sinh ra là để con người tìm hiểu về thế giới, đạt đến tầm cao tri thức. Nhưng hóa ra nó lại khiến con người hoạt động tư duy nhiều quá đến nỗi quên mất khả năng cơ bản của mình là nói, là ngôn ngữ được thể hiện bằng lời chứ không phải là sự thăng hoa trừu tượng của một cỗ máy im lặng.
Tôi thấy một vài đứa trẻ đến hai, ba tuổi vẫn chưa biết nói. Đó là hệ quả của sự thiếu giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày, khi mà ai cũng cho rằng chúng ta là những sinh vật nhạy cảm, có thể hiểu nhau chỉ cần thông qua cử chỉ và ánh mắt mà thôi. Thực sự, cái thần giao cách cảm ấy là để biểu thị sự đồng điệu về tâm hồn của những người sau khi đã nói thật nhiều với nhau, chứ không phải giữa những người chẳng muốn nói với nhau điều gì, và bảo rằng người hiểu mình là người chẳng cần để mình phải nói.
Có khi nào ta tự giật mình khi nhìn thấy chính mình cũng như thế. Cũng muốn trò chuyện, cũng muốn khơi gợi đến chuyện này chuyện khác và có ai đó để trút bỏ lòng mình như trút bỏ một bộ xiêm y quá nặng nề. Nhưng rồi khi gặp nhau, chúng ta vòng vo chuyện chung chung của xã hội. Và nhờ có công nghệ hiện đại, chúng ta cắm mặt vào những chiếc điện thoại đầy tiện ích, chúng ta xem băng hình, cười hể hả, bình luận hời hợt vài câu. Rồi khi ngồi ngẫm nghĩ, chúng ta lại nói rằng: chẳng ai hiểu mình cả, và mình cũng chẳng hiểu ai cả. Đơn giản vì chúng ta có nói ra điều gì để cho nhau hiểu được đâu.
Ông bà tổ tiên vì cố gắng muốn truyền đạt suy nghĩ, tư tưởng của mình mà sáng tạo ra lời nói, chữ viết cho chúng ta. Vậy mà đến một lúc nào đó, tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ giúp người ta đo lường tín hiệu não bộ và chẳng cần nói gì cả cũng nắm được ý nhau, chẳng cần viết gì cả thì chữ nghĩa cũng tự nhiên phát ra… Họ hạnh phúc, họ thất vọng, họ nổi điên hay muốn chửi nhau, có lẽ sẽ đến lúc họ không cần dùng lời nữa.
Tự nhiên, đôi khi tôi nhìn tất cả những con người xung quanh, những người thân và bạn bè mình, tôi chợt thèm biết mấy họ quay sang hỏi, mấy giờ rồi nhỉ, hay hôm nay tao đã chạy xe với tốc độ 60 cây số giờ, mày thấy kinh chưa. Hay là: mày ơi tao rất thích ăn bánh mì thịt của bà Năm đầu hẻm, nhưng hôm nay bà ấy không bán nữa, đầu hẻm nhà bả tao thấy treo cờ tím mày ạ. Chỉ thế thôi. Đôi khi tôi còn thèm cả những lời qua tiếng lại vô nghĩa, thèm cả những tiếng cãi cọ. Ấy vậy mà chất chứa tình cảm nhiều hơn là những bộ mặt xám xịt chỉ biết nhìn nhau.
(02/12/2013)
Và sau khi tôi đọc lại bài viết cách đây gần 6 năm thì mọi sự trên thế gian này dường như đã thay đổi, nó thôi thúc tôi viết thêm về những khía cạnh xã hội mới nảy sinh, nó khiến cho tôi nhận ra, giờ đây, nói chuyện với nhau hay nhìn vào mắt nhau cũng là những điều mà không phải người nào cũng muốn làm và có thể làm.
Khi những con người chẳng muốn nhìn nhau