“When you are a good person. You don’t lose people. They lose you”
Người yêu mua cho mình cuốn sách Chủ nghĩa khắc kỷ nhưng mình chưa có dịp đọc. Có lẽ cuối tuần này mình sẽ đem ra đọc. Bởi trước khi mua nó thì tụi mình đã đọc được nhiều câu trích dẫn thú vị khiến cho mình tò mò, thích thú và quyết định mua cả cuốn sách.
Thông qua một vài câu trích dẫn, mình thấy được bản thân ở trong đó và tìm được lối sống mà mình muốn hướng đến, tìm được lối tư tưởng mà mình muốn khoác lên mình (mặc dù quả là khó để sống được như vậy).
Mình bắt đầu yêu thích tâm lý học kể từ những buổi đầu tiên được học môn Tâm lý học đại cương ở giảng đường. Dù đây chỉ là một môn học được dạy qua loa trong chương trình của ngành Quan hệ quốc tế, khoa Đông Nam Á, nhưng từ đó đã khơi gợi cho mình niềm yêu thích tìm hiểu: vì sao con người ta hành xử như vậy, nguyên nhân do đâu, tâm lý của họ như thế nào và diễn tiến tiếp theo sẽ ra sao. Hiểu về tâm lý sẽ dẫn dắt chúng ta tìm tòi nguyên nhân và giải pháp cho nhiều vấn đề mà con người - loài động vật bậc cao đầy xúc cảm - đang gặp phải.
Từ một trang facebook có tên Tâm Lý Học Tội Pham, mình đã biết đến chủ nghĩa khắc kỷ. Và từ đó, cuộc trị liệu tâm lý cho chính mình được hình thành.
Chủ nghĩa khắc kỷ nghe qua có vẻ là một sự khổ hạnh được áp dụng lên chính bản thân mình. Nhưng không. Chính lối sống biết chấp nhận mọi thứ như đúng bản chất của nó, không xem mình là trung tâm của vũ trụ, cũng như sử dụng lý trí nhiều hơn để đánh giá công bằng mọi thứ trong xã hội. “Khắc kỷ” không có nghĩa là nghiêm ngặt hay khổ hạnh. Trái lại, chủ nghĩa này cho rằng để tiến tới hạnh phúc, chúng ta cần sống hòa hợp với bản chất con người và thế giới.
Riêng về câu trích dẫn ở phía đầu bài thì không phải của chủ nghĩa khắc kỷ, nhưng là một câu châm ngôn mà mình muốn dặn dò bản thân hãy cứ sống tốt, dù cuộc đời có đối xử với mình ra sao đi nữa. Bởi vì bản thân mình tốt, thì mình sẽ chẳng mất mát gì cả, ngược lại người mất mát chính là họ, những người không nhận ra giá trị của mình.
Rồi những ai gìn giữ được đạo đức, phẩm chất và theo đuổi giá trị vĩnh hằng bất biến cũng sẽ tìm được con đường cho riêng mình, hạnh phúc với chính mình mà không cần cuộc đời phải làm chứng hoặc ban phát điều gì.
Mình muốn chia sẻ lại những câu trích dẫn mà mình rất thích từ Chủ nghĩa khắc kỷ:
Cũng đã nhiều lần mình đối diện với sự xấu tính của người khác, sự vô ơn, sự ganh ghét… và mình đã lấy đó làm niềm đau khổ rồi bực dọc và làm tổn hại đến tinh thần của mình. Nhưng rồi sao, thế giới vẫn xoay vần, và những con người đó cũng chẳng biến mất. Mình chẳng thế thay đổi được điều gì, mình cũng chẳng khiến cho họ tốt hơn với mình. Vậy nên, phải chọn cách làm cho mình mạnh mẽ và tốt hơn lên. Điều duy nhất trên thế giới có thể thay đổi là chính bản thân mình mà thôi.
Hãy quay vào bản chất của mọi thứ. Nếu ta tốt lành, nếu ta đẹp đẽ, ta hiểu điều đó và ta không cần ai chứng nhận. Nó khá giống với câu “When you are a good person. You don’t lose people. They lose you” mà mình đã ghi ở trên. Ta cứ sống con đường chính trực của mình và đừng mong chờ ai đó sẽ công nhận mình tốt, cũng không sợ phải mất mát điều gì cả.
Lời than vãn tự thân nó đã là một loại độc dược huỷ hoại tâm hồn của chính ta rồi. Bởi khi vừa cất lời than, tức là ta chấp thuận rằng mình đang mệt mỏi, đang buồn chán, đang khổ đau. Hãy xem mọi thứ đó đều là việc tự nhiên phải xảy đến rồi phải ra đi. Ta nén đừng than van để đón nhận nó vào trú ngụ trong lòng mình nữa, và cũng không để nó lan toả và phát tán rộng rãi hơn. Đau khổ, cực nhọc, chỉ nên xuất hiện âm thầm rồi biến mất.
Càng đọc mình càng ngẫm ra nhiều điều hay, phù hợp với lẽ sống của mình. Cho nên, mình tập thực hành và tập suy nghĩ về nó mỗi khi trong cuộc sống có những gì không vừa ý xảy đến. Mặc dù biết là khó kiềm chế được những cảm xúc hỉ nộ ái ố, nhất là những cảm xúc tiêu cực về những diễn biến trong cuộc sống, nhưng sau mỗi chuyện, mình lại tìm đến chủ nghĩa khắc kỷ để tự phục hồi và tìm lại bình yên cho tâm hồn.
Mình sẽ cố gắng học theo và xem đây như những lời triết lý đáng giá, vừa là để tự chữa trị những vết thương tâm lý cho chính mình, vừa dùng để hiểu bản chất của cuộc đời, và ngưng buồn bã, ngưng chán nản thất vọng.