Thú thực mình chưa có con mà lại “múa rìu qua mắt thợ” chắc sẽ bị chê bai, ôi đã có con đâu mà biết nuôi nó cực khổ khó khăn thế nào, đừng có mà nói lý thuyết.
Nhưng mình sẵn chia sẻ luôn là từ lâu rồi mình rất thích những đề tài về giáo dục, vì mình biết giáo dục sẽ có ảnh hưởng đến nhiều thế hệ, ảnh hưởng đến xã hội, và đến toàn thể những gì kiến tạo nên thế giới. Nói nghe to tát như vậy nhưng mà thử nghĩ xem, bất cứ hành động, suy nghĩ của ta như thế nào, có phải được hình thành qua quá trình giáo dục và tự rèn luyện hay không. Người ta hay bảo “dân trí thấp”, “dân trí cao”… là những từ để ám chỉ về giáo dục đấy thôi.
Cho nên, tuy là chưa có con, cũng chẳng có nhiều cháu trong nhà để quan sát và nghiên cứu, nhưng mình lại hứng thú và đọc rất nhiều về chuyện giáo dục. Trong quan điểm của đa số chúng ta, việc nuôi con có nghĩa là cho nó ăn, ru nó ngủ, làm cho nó lớn lên khoẻ mạnh, cho nó đi học nơi có môi trường tốt, dạy cho nó điều hay lẽ phải, làm sao cho nó nên người, thành tài. Và một khái niệm tân tiến gần đây cộng thêm vào tổ hợp nuôi con, đó là làm sao để những đứa trẻ có thể tự lập, tự chủ, để sau khi tốt nghiệp thì không cần bố mẹ phải lo lắng cho chúng về mặt vật chất nữa, bố mẹ cũng sẽ không để lại cho chúng tài sản nhiều để sinh hư.
Mình không phản bác gì các quan điểm trên mà còn rất đồng tình nữa là khác. Mình thấy là ai khi có con cũng muốn điều tốt nhất cho con, dù họ có áp dụng hàng trăm phương pháp khác nhau thì cũng để cho con họ được phát triển lành mạnh, không tốt cho hiện tại thì cũng tốt cho tương lai. Nuôi con theo mẹ Hổ hay mẹ Cá heo, cách nào thì cũng vì mục đích cuối cùng là để con mình trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn và nó có thể tự đứng trên đôi chân của mình, được sống một cuộc đời hạnh phúc của mình.
Nhưng có một điều mà các bậc phụ huynh không để ý, đó là chính các bạn.
Ta không thể đòi hỏi con mình phải chăm chỉ, siêng năng học hành nếu ta cũng cắm mặt vào game, hay suốt ngày túm tụm hội hè đình đám với bạn bè.
Ta không thể mong con mình ham đọc sách nếu ta chỉ chúi mũi vào điện thoại.
Ta không thể mong con mình biết yêu thương nếu ta cứ cãi vả nhau trước mặt nó.
Cho nên tôi cho rằng điều cốt lõi trong muôn vàn phương pháp giáo dục con được cho là tiên tiến hiện nay, điều mà cha mẹ nên làm nếu muốn con mình phát triển tốt, đó chính là họ phải tự giáo dục bản thân họ trước. Có lẽ nói thì dễ hơn làm, vì để thay đổi bản thân mình, thay đổi những thói quen cố hữu còn khó hơn nhiều so với việc nuôi con, cho con ăn và dạy con học.
Mình có biết một gia đình kia, sau giờ làm về nhà thì cả vợ chồng đều mệt mỏi rã rời, nên chỉ ăn tối qua loa rồi ngồi xem tivi một lát, và sau đó vào giường nằm bấm điện thoại cho đến khi buồn ngủ thì đi ngủ. Cuối tuần thì sẽ đi siêu thị mua ít đồ dùng, thực phẩm, cho con của họ chơi vài trò giải trí trong các shopping mall rồi về nhà. Cuộc sống thường nhật của họ trôi qua đều đặn như vậy, thỉnh thoảng có một vài sự kiện thay đổi như lễ, tết, du lịch, đi thăm bà con. Họ kể cho tôi rằng, đứa con đang học lớp 1 của họ thường xuyên than chán, bắt học bài cũng than chán, ngồi chơi đồ chơi một tí là chán, không cho xem ipad thì than buồn chán, ở nhà cũng chán mà đi đâu làm gì cũng chỉ vui được chốc lát. Dường như bé không có cảm hứng với cuộc sống chỉ trừ khi được làm những gì mà bé thích, và những thú vui thì thay đổi thường xuyên. Kể cả khi được ba mẹ mua cho một món đồ chơi thật đắt tiền, nhưng chỉ chơi một vài tuần là lại chán.
Nhìn vào lối sống của hai anh chị này thì có thể nhận ra, đây là lối sống của một gia đình già, của những người không còn cảm thấy mình cần điều gì ở cuộc đời nữa ngoài việc ăn ngủ đúng giờ, bảo vệ sức khoẻ, không mưu cầu hay nỗ lực thêm điều gì bởi họ cũng đã đạt được chức vị cao trong công việc, điều kiện vật chất đủ đầy. Mặc dù đó là một đích đến mà bao người thèm khát, nhưng lối sống tự tại đó tôi cảm thấy có gì không đúng. Có một thứ gì đó gọi là thiếu năng lượng ở cặp cha mẹ này, có một thứ gì đó mà trẻ con - những đứa trẻ nhiều năng lượng, ưa thích khám phá - sẽ hiển nhiên cảm thấy nhàm chán.
Trẻ con chúng nó rất nhiều năng lượng, và chúng nó cũng đang trong hành trình khám phá thế giới. Cha mẹ phải là người bạn đồng hành với chúng, dù cho đôi lúc, cha mẹ cũng mệt mỏi cần nghỉ ngơi.
Chúng ta không nhất thiết lúc nào cũng dạy chúng bằng lời nói, thuyết giáo, mà chỉ cần chúng ta tự giáo dục bản thân mình trong nhiều việc, cố gắng cải thiện nếp sống gia đình và để ý đến cách tiếp nhận của con mình là được.
Chẳng hạn như khi ăn cơm, trong bàn ăn tránh để chén bát khua ầm ĩ, tránh vừa ăn vừa xem điện thoại. Khi ăn tránh vương vãi. Lúc dọn bàn ăn thì cả nhà cùng phụ giúp nhau. Vừa thực hành mình vừa chỉ dạy cho con mình những điều nên và không nên.
Mình có thể đưa các kiến thức thường thức vào hoạt động hàng ngày, như cách ăn mặc, phối hợp màu sắc quần áo, hay là cách phối hợp thực phẩm để không bị phản ứng, thứ này không nên ăn cùng thứ kia, hay là khi bị sốt thì ta nên làm gì… Tất cả những thứ gì các bạn muốn dạy con mình, trước hết bạn phải tự học, bạn phải tự giáo dục bản thân trước.
Cái cách mà chúng ta tận dụng thời gian rảnh để đọc sách, học thêm kỹ năng, hay kể cả cách tận hưởng một bộ phim hay cuối tuần, mọi thứ đều là tấm gương cho con cái mình noi theo. Warren Buffett trở thành một nhà đầu tư thành công bởi tuổi thơ của ông được nhìn thấy cha mình học về đầu tư, nghiên cứu về đầu tư và giảng giải cho ông các khái niệm về tài chính từ rất nhỏ. Bill Gate cũng có người cha làm luật sư và luôn nhìn thấy ở cha mình đức tính ham học hỏi. Bạn có thể đọc thêm để biết lối sống của những bậc phụ huynh có tác động thế nào đến sự thành bại của một đứa trẻ. Đứa trẻ lớn lên, ta cũng phải lớn lên. Đứa trẻ học hỏi, chúng ta cũng phải học hỏi không ngừng. Bởi vốn dĩ đâu ai có năng khiếu trong việc làm cha làm mẹ, nên ta phải học thôi. Dù chúng ta làm cha làm mẹ ở bất kỳ độ tuổi nào, ta cũng phải luôn luôn học hỏi và luôn làm mới lại chính mình, để song hành cùng những đứa con non nớt của chúng ta.
À mà đừng đợi đến khi có con thì mới thay đổi vì rất khó, hãy thay đổi ngay bây giờ, hãy hình thành nếp sống tích cực, cầu tiến ngay từ lúc còn độc thân nhé!