Thời gian này mình quay lại Nhật làm việc, trong lúc chờ kết quả bảo lãnh con trai sang Nhật thì mình ở Nhật một mình. Bên cạnh thời gian học tiếng Nhật thì còn thời gian để nghe Podcasts, Videos trên Youtube. Ngoài chủ đề quan tâm chính là đầu tư, tài chính cá nhân thì mình còn quan tâm những vấn đề Kinh Tế và Xã Hội. Năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đang rơi vào khó khăn và suy thoái, thị trường bất động sản đóng băng, triển vọng phục hồi phía trước còn mù mờ. Biết rằng bản thân mình đang hoặc sẽ phải đối mặt với điều gì để trù bị, về mặt tinh thần cũng như về mặt tài chính, mình cho là một điều cấp thiết.
Trong số nhiều chủ đề mình theo dõi gần đây: xu hướng 躺平 (dịch nôm na là nằm phẳng, kiểu mặc kệ đời) của giới trẻ Trung Quốc và Hàn Quốc, sự đổ vỡ của bong bóng bất động sản tại Trung Quốc, suy thoái kinh tế, bản chất của cái nghèo và bất công của nó, chủ nghĩa tiêu thụ, lạm phát lối sống và việc giai cấp trung lưu tại nhiều quốc gia đang teo nhỏ đi và biến mất, sự ảnh hưởng của Mạng Xã Hội Facebook / Instagram / Tiktok lên đời sống con người, sự tập trung và năng suất bị đánh cắp (Stolen Focus, Deep Work, Flow State)… những chủ đề này tưởng như rời rạ, nhưng nhìn rộng ra thì từng chủ đề đều là một chấm nhỏ trong một bức tranh lớn về kinh tế/xã hội. Cái này là nguyên nhân/hệ quả của cái kia và ngược lại. Việc đọc nhiều, xem nhiều rồi suy nghĩ, và Connecting the Dots này sẽ hữu ích với những người trẻ (chưa giàu) như thế hệ mình: làm cách nào để nhận ra bản chất và cạm bẫy của xã hội hiện nay, làm thế nào để suy nghĩ như một contrarian (dám suy nghĩ khác đám đông, không bị ảnh hưởng nhiều bởi tâm lý bầy đàn), bởi đi theo đám đông tuy an toàn nhưng trong một thế giới đang biến động nhanh đến không ngờ, đã không còn là giải pháp tốt nhất nữa.
Bài viết này mình xin bàn về hai trong số những videos mà mình đã xem và thấy thú vị. Video đầu tiên là về quyển sách Hiểu Nghèo Để Thoát Nghèo, và tại sao khi đã thoát nghèo rồi, nhưng tầng lớp HENRY (High Earners, Not Rich Yet) tại Mỹ lại còn đáng thương hơn người nghèo.
Theo tác giả quyển sách Poor Economics, giáo sư kinh tế tại MIT thì sự nghèo khó là một vòng lặp luẩn quẩn mà bạn sẽ khó thoát ra được bởi vì:
- Cha mẹ của bạn đều nghèo,
- Bạn không có được đòn bẩy mà người giàu có: môi trường giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, y tế, sự hỗ trợ về tài chính, quyền lực và các mối quan hệ,
- Bạn không có được tư duy của người giàu dẫn đến chỉ theo đuổi niềm vui và sự thoả mãn ngắn hạn, thay vì đầu tư cho tương lai dài hạn, đầu tư cho giáo dục, cho sức khoẻ, …
- Thu nhập của bạn và gia đình chỉ vừa đủ sống và phần lớn thu nhập kiếm được thông qua việc bán thời gian và công sức, sức lực của bạn, dẫn đến, khi xong một ngày lao động mệt nhoài, bạn thường chìm đắm vào ti vi, điện thoại, mạng xã hội và các chương trình giải trí rẻ tiền.
- Là hệ quả của điều thứ 4, Bạn sẽ không đủ thời gian và điều kiện (tài chính) để đầu tư vào việc học hỏi, giáo dục.
- Vì bạn không có được những đòn bẩy mà người giàu họ có (2) nên cho dù bạn có quyết định khởi nghiệp, làm một thứ gì đó khác với hy vọng đổi đời nhưng khả năng chịu đựng rủi ro của bạn sẽ thấp hơn những phú nhị đại nhiều, vì bạn còn nỗi sợ mất trắng cùng với nỗi lo cơm áo gạo tiền, và dễ dàng thất bại hơn vì thiếu sự hỗ trợ về tài chính, về chuyên môn, về mối quan hệ, thiếu người đưa đường dẫn lối…
- Vì bạn nghèo nên bạn sẽ không có nhiều sự lựa chọn, con cái bạn cũng sẽ không có nhiều sự lựa chọn: Lựa chọn ở đây có thể là công việc, trường học, bạn bè, thực phẩm, sức khoẻ, y tế, …
- Ở những nước càng kém phát triển và những hộ gia đình càng nghèo thì lại càng có xu hướng đẻ nhiều con, đặc biệt hướng đến việc đẻ nhiều con trai để có thêm lao động cho gia đình cũng như là “bảo hiểm” lúc dưỡng già (vì họ không có/không thể chuẩn bị trước một kế hoạch tài chính để nghỉ hưu an nhàn)…
Vậy còn những người có thu nhập tốt hơn thì sao? Những người với thu nhập 200-300k USD/năm tại Mỹ?
Theo tác giả tầng lớp HENRY (High Earners, Not Rich Yet, hiện nay, tầng lớp này còn gặp nhiều vấn đề khó khăn về tài chính hơn những người thu nhập thấp. Đây là những người được xếp vào nhóm thu nhập cao, nhưng chưa đủ giàu (HENRY). Vì, những người này, tuy đã thoát được vòng lặp nghèo đói của cha mẹ họ, nhờ vào việc cố gắng, nỗ lực trong việc học tập, tìm được một công việc chuyên môn cao với thu nhập ổn định. Nhưng:
- Phần lớn, do cha mẹ họ nghèo nên để học và tốt nghiệp được Đại Học, họ sẽ ra đời và mang trong mình một khoản nợ lớn từ thời sinh viên nên những năm đầu tiên của sự nghiệp, phần thu nhập dư ra được dùng để trả nợ thay vì tích luỹ và đầu tư từ sớm. Học phí đại học/cao đẳng ở Mỹ khá đắt đỏ, còn Việt Nam tuy chưa đến mức đắt đỏ như Mỹ (so với bình quân thu nhập) nhưng học phí cũng đang tăng nhanh dần, theo mình biết, mức học phí bây giờ của nhiều trường đại học đã gấp nhiều lần so với thời mình bước chân vào giảng đường.
- Để có được một công việc tốt với thu nhập hấp dẫn, những người này thường phải chuyển đến sống tại các thành phố lớn, nơi có mức sống cao với chi tiêu cao, giá nhà/giá thuê nhà đắt đỏ.
- Những người này đều là những người làm công ăn lương, thu nhập cao, tuy nhiên, với hệ thống thuế thu nhập bậc thang, họ chính là những người phải đóng thuế cao nhất, và không có sẵn những công cụ để né thuế, như chủ doanh nghiệp hay những hộ gia đình giàu có khác (đủ giàu để thuê luật sư, những người quản lý gia sản, …).
- Lạm phát lối sống, thường xuyên ăn ngoài, đôi khi là tại những nhà hàng cao cấp, du lịch nước ngoài một năm 2-3 lần, cuối tuần đi spa thư giãn sau một tuần làm việc căng thẳng, ăn uống các thực phẩm hữu cơ đắt tiền … nguyên nhân gốc rễ là do tâm lý bầy đàn của loài người, và do chủ nghĩa tiêu dùng được giới chủ (tư bản) truyền bá và ăn sâu vào tầng lớp này, đồng thời, với sự phát triển của mạng xã hội, khi những hình ảnh mua sắm, ăn chơi, du lịch xa xỉ của bạn bè và đồng nghiệp cứ xuất hiện nhan nhản (bạn có chắc mình sẽ làm khác họ?), cùng với những quảng cáo được cá nhân hoá tại đây càng làm tác động của chủ nghĩa tiêu thụ thêm dữ dội.
- Bởi vì không thể bước chân vào tầng lớp giàu có, họ sẽ mang trong mình một mặc cảm tự ti, từ đó nảy sinh tâm lý tiêu xài thoải mái như một cách chứng tỏ bản thân mình.
- Những người này chưa đủ giàu nên để an cư trong bối cảnh giá nhà tăng nhanh tại các thành phố lớn, họ phải mang trong mình một khoản nợ lớn và mất 20-30 năm chỉ để trả góp nhà cửa.
- Phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập từ lương, nhưng thu nhập từ lương, trong một số giai đoạn nhất định, sẽ không thể nào tăng nhanh bằng lạm phát của giá cả tiêu dùng, điện nước, tiền thuê nhà, bảo hiểm, … và nếu chẳng may mất việc vì một lý do nào đó (bị sa thải, cắt giảm vì kinh tế suy thoái, công ty phá sản chẳng hạn), họ sẽ ngay lập tức khốn đốn bởi vì chẳng có tích luỹ với những lý do trên.
Tham khảo thêm
Vì sao nghèo vẫn hoàn nghèo? Sách Poor Economics | Hiểu nghèo, thoát nghèo
《贫穷的本质》:为什么越穷的人越喜欢生孩子,你是否有穷人思维
在美國比窮人更慘的階層,年收近百萬依然負債累累!亨利族(HENRY)
For consumption, it is better to try lying flat! High-quality thinking
Bạn rất có thể là NGƯỜI NGHÈO MỚI | Sách Work, Consumerism and the New Poor