Giá Trị Thời Gian và Sự Giàu Có Thực Sự

Viết bởi Cô Đào vào 2024-10-23
Chủ đề:

time-is-money.png

Đang ngồi ở bếp hầm nồi canh xương, tranh thủ trong lúc chờ, mình ngẫm nghĩ một chút về những gì vừa nghiệm được khi sống tại Nhật.

Hôm rồi, mình mang bento (弁当) lên lớp cho con và nhận thấy các bậc phụ huynh khác chuẩn bị bữa xế cho con cũng đơn giản thôi, đa phần là bánh kẹo đóng gói sẵn. Đôi khi còn thấy khăn lau tay của một số bé đã cũ mèm mà bố mẹ vẫn chưa thay mới. Không phải vì họ không có tiền để sắm sửa, mà có thể là do quá bận rộn mưu sinh, họ vô tình quên mất những điều nhỏ nhặt nhưng quan trọng này. Chẳng hạn như lần trước, mình đi dự đại hội thể thao (運動会) của con mà bắt gặp một ông bố tranh thủ ngủ, thấy thương cảm vô cùng.

Từ những điều nhỏ nhặt này, mình dần nghiệm ra: Bề ngoài, tất cả các phụ huynh và học sinh trong lớp đều trông như nhau, không có sự phân biệt giàu nghèo. Nhưng khi để ý kỹ, sự khác biệt thực sự giữa giàu và nghèo ở đây không phải nằm ở vật chất, mà ở thứ khác tinh tế hơn.

Chúng ta thường bị phim ảnh khiến mình nghĩ rằng các bậc cha mẹ giàu có mải lo kiếm tiền, không có thời gian cho con cái, để rồi giao phó việc chăm sóc cho người khác. Nhưng thực tế mình nhận ra điều ngược lại. Một vlog mình xem gần đây kể về trải nghiệm của một anh từng học ở ngôi trường thuộc giới thượng lưu. Anh nhận ra rằng, cha mẹ càng giàu có thì càng dành thời gian cho con nhiều hơn. Họ luôn có mặt trong các sự kiện của con, thường xuyên liên hệ với trường học để theo sát tình hình, thậm chí sẵn sàng bỏ qua các cuộc họp hay tiệc tùng để tham dự những khoảnh khắc quan trọng của con mình.

Những người giàu không còn là nô lệ của tiền bạc, mà họ biết cách sử dụng tiền để đạt được tự do thời gian. Con đường để đạt đến điều đó chắc chắn không hề dễ dàng. Nhất là trong giai đoạn khởi nghiệp, người ta phải vất vả vô cùng, chạy đua với đồng tiền. Nhưng khi đã hiểu và biết cách sai khiến tiền bạc, thứ họ trân quý nhất chính là Thời Gian.

Lúc này, họ tự do sử dụng thời gian theo ý muốn, và nếu vừa giàu có về tiền bạc, vừa giàu có về tri thức, họ sẽ nhận ra rằng dành thời gian cho con cái, cho gia đình là điều có ý nghĩa nhất. Những người đang vật lộn mưu sinh khó lòng làm được điều đó, dù họ có hiểu ra điều này.

Chúng ta làm việc cật lực để kiếm tiền, với mong muốn đạt được tự do. Tiền bạc là công cụ giúp ta có tự do chọn lựa công việc mình yêu thích, tự do sử dụng thời gian cho những điều quan trọng. Nghèo không chỉ giới hạn về tài chính mà còn ràng buộc cả thời gian, cơ hội, thậm chí là tự do của bản thân. Nhưng khi đã thoát nghèo, đã có thêm chút tiền, liệu ta có sử dụng sự tự do ấy để dành thời gian cho gia đình, con cái, hay lại trở thành nô lệ của tiền bạc, mải miết theo đuổi nó mà quên mất lý do ban đầu mình kiếm tiền để làm gì? Chẳng phải thời gian, sức khoẻ, người thân mới là điều quý báu hơn cả tiền bạc hay sao?

Ngẫm nghĩ về điều này mà mình quên cả nồi xương đang hầm. Cảm thấy hạnh phúc vì có thời gian ngồi chăm chút bữa ăn cho gia đình, có thời gian ở bên con trong những năm tháng đầu đời. Biết ơn vì điều đó!

P/S:

#1 - Ở Nhật, rất khó để nhận ra ai giàu hơn ai chỉ qua cách ăn mặc hay đồ dùng. Người giàu thường không phô trương, chỉ khi quan sát cách họ sử dụng thời gian, ta mới biết họ thực sự giàu có.

#2 - Nếu ta vẫn có thời gian chăm lo cho gia đình, nhà cửa, dành thời gian cho con cái, có thể ta cũng là người giàu có mà chưa nhận ra đấy.

#3 - Góc nhìn khác về người giàu ở Nhật và cách họ đầu tư vào con cái:

Thực ra, tại Nhật, những gia đình giàu có thường cho con theo học từ trường tư từ mẫu giáo, nơi trẻ được đào tạo theo chương trình Montessori rất bài bản với nhiều hoạt động phong phú. Đồng phục, cặp sách, và nón đều phải mua từ trường, nên chi phí khá cao. Các trường mẫu giáo tư lập thường thuộc hệ thống giáo dục kéo dài từ cấp 1, 2, 3 đến đại học (nếu có), và toàn bộ đều đòi hỏi khoản đầu tư không nhỏ. Chính vì vậy, những gia đình có định hướng cho con học cấp 1 tư thục thường cho con theo học các hệ thống này ngay từ mẫu giáo.

Trường mà đa số người dân tại Nhật cho con đi học hiện tại là dạng công lập hoặc tư thục nhưng không thuộc hệ thống tư lập kia, nên bạn sẽ không dễ dàng nhận ra sự khác biệt. Còn việc người giàu có khoe khoang hay không thì tùy thuộc vào mỗi gia đình. Có những gia đình, con cái họ không mang đồ đạc gì đặc biệt do trường quy định đồng phục nghiêm ngặt, nhưng khi đến đón con, họ lái xe sang trọng. Hoặc khi có cơ hội gặp họ ở bên ngoài, bạn sẽ nhận thấy họ rất chú trọng vào thương hiệu quần áo. Hơn nữa, họ đầu tư rất nhiều cho việc học hành của con cái. Những gia đình không có điều kiện chỉ có thể cho con học các kiến thức cơ bản, nhưng gia đình có điều kiện thì không chỉ đầu tư vào nhiều chương trình học mà còn dành nhiều thời gian để đồng hành cùng con. Việc học không chỉ dừng lại khi rời khỏi trường, mà còn tiếp tục ở nhà, nơi cha mẹ hỗ trợ con trong việc luyện tập sau giờ học. Chính vì thế, trong nhiều gia đình giàu có, chồng sẽ đi làm để vợ tập trung chăm sóc và giáo dục con cái.