Mình vừa đi tham quan làng cổ Shirakawa-go, một di sản văn hóa thế giới với những ngôi nhà mái lợp truyền thống của Nhật. Chúng ta có thể thăm Shirakawa-go vào mọi thời điểm trong năm nhưng Shirakawa-go đặc biệt huyền ảo vào mùa đông, khi mà tuyết phủ đầy các mái nhà và trắng xóa khắp các con đường. Thế nhưng, thời tiết lại không ủng hộ. Năm nay là mùa đông nóng kỉ lục của Nhật nên tuyết có rơi thì cũng dăm ba bữa lại tan. Shirakawa-go một mùa đông không tuyết thì trông khá xơ xác. Hụt hẫng vì không được chiêm ngưỡng vẻ đẹp trong tuyết của Shirakawa-go, mừng một chút vì mùa đông không lạnh, vì dẫu sao đứa xuất thân từ xứ nhiệt đới như mình không quen với cái lạnh. Nhưng xen vào đó là nhiều nhiều chút lo lắng vì hiện tượng trái đất nóng dần đã quá rõ ràng và ngay trước mắt rồi, không còn là chuyện gì đó xa vời ở tận Bắc Cực hay chuyện dăm ba chục năm nữa.
Ngày thứ hai, đi lên núi Takasu Snow Park để ngắm tuyết và (xem) trượt tuyết. Lần đầu thấy tuyết rơi, sờ thấy tuyết nên có chút háo hức. Nhưng cảm xúc đó chỉ ngắn chẳng tày gang, vì với mình, cái trải nghiệm kiểu “thử một lần cho biết”, không còn quan trọng nữa. Nên mãi đến mùa đông thứ hai ở Nhật, mới chịu đi “săn” tuyết.
Đi tĩnh tâm ngày cuối năm ở nhà thờ 玉造 và nghe cha Phanxico Vũ Thế Toàn từ California sang thăm cộng đoàn Osaka, kể chuyện và rao giảng tin mừng. Nghe cha kể về cuộc đời sóng gió của Cha những năm sau 1975, rồi hành trình gian nan tựa hỏa ngục khi lưu lạc sang Thái Lan. Thầm nghĩ, số phận của cha cũng như của hàng trăm ngàn thuyền nhân buộc phải bỏ lại tất cả, để lênh đênh trên biển, và phần nhiều bỏ cả tính mạng là vì ai, vì duyên cớ gì. Phần nhiều trong số họ là những người như ông bà của mình, cô cậu của mình (dù cậu mình thì may mắn hơn là đã sống sót), là những người Hoa, người Tiều, chăm chỉ, giỏi làm ăn nhưng bị chính thể bên thắng cuộc và cuộc sống khó khăn bức bách, cảm thấy thương tâm lắm. Lại liên tưởng đến cuộc nội chiến Mỹ, tuy diễn ra trong thời gian ngắn hơn nhưng cũng khốc liệt không kém, nhưng kẻ thắng, người thua nhanh chóng dẹp bỏ hiềm khích cũ và cùng xây dựng lại vì một mục tiêu chung nên nước Mỹ mới giàu mạnh như hiện nay. Còn chúng ta?
Rồi cha Toàn cũng nói về nước Nhật và những kì tích của nước Nhật sau chiến tranh? Nước Nhật cũng bị kiệt quệ và tàn phá nặng nề nhưng nhanh chóng xây dựng lại đất nước. Nhật chỉ mất 30~40 năm là đã theo kịp và thậm chí xuýt vượt qua Mỹ về kinh tế. Một tấm gương khác nữa là Hàn Quốc, cũng tương tự - họ đã hy sinh vài thế hệ để tái thiết đất nước, khi mà mọi nguồn lực, mọi người dân đều sẵn sàng ngủ ít đi, làm việc nhiều hơn vì tương lai của cả dân tộc. Thật đáng ngưỡng mộ.
Còn ai đó lấy lý do Việt Nam vẫn nghèo hèn vì chỉ mới hòa bình được hơn 40 năm thì quả là hèn thật. Không có lý do gì để bào chữa ngoài sự dốt nát và ích kỷ của những thế hệ sau chiến tranh. Nếu biết ngẫm lại về biết bao nhiêu xương máu đã đổ xuống vì chiến tranh (và cả giai đoạn sau chiến tranh), thế hệ trẻ hiện nay có xứng đáng với sự hy sinh, mất mát đó không? Chưa giàu, chưa mạnh mà đã vội hưởng thụ, đã vội tham, đã vội ích kỉ thì đáng gọi là một thế hệ vứt đi.
Đọng lại nhiều nhất sau những lời giảng của cha Vũ Thế Toàn là hai từ Hy vọng, và mái ấm. Mái ấm của mình trước đây giờ chỉ còn trong kí ức vì mình không biết trân trọng. Hy vọng ở tương lai, mình tin là mình sẽ cùng người thương xây dựng lại một mái ấm mới, và sống tốt thay cho những người đã khuất.
31.12.2019