Các bạn có còn nhớ ký ức gì về thuở cấp một của mình không?
Trong 3 cấp học thì tôi lại nhớ những kỷ niệm về cấp một nhiều nhất, mặc dù những mảng ký ức cứ rời rạc mơ hồ. Có lẽ đó là khoảng thời gian vui vẻ ít áp lực nhất trong quãng đời học sinh của mình, nên mỗi khi nhớ về lòng tôi lại thấy dịu dàng làm sao.
Cho đến khi lớn lên tôi mới nhận ra, khoảng cách từ nhà đến trường thật ngắn ngủi và ngôi trường của tôi thật nhỏ bé so với thế giới mà tôi đã trải nghiệm. Ngày đó, mỗi sáng đi học đối với tôi là một quãng đường thật dài. Năm lớp một tôi được ba mẹ đưa đón, nhưng lớn hơn một tí, tức là lớp hai trở đi thì tôi tự đến trường. Có những kỷ niệm mà nhớ lại thấy thật buồn cười, cũng thật xúc động.
Tôi cũng chẳng hiểu sao mình còn nhớ như in những kỷ niệm đó, nhưng mỗi khi họp mặt gia đình khi ba mẹ và em gái tôi ngồi kể lại thì tôi cũng hồi tưởng về nó như một cuốn phim chiếu chậm mà rời rạc, vì tôi không thể nhớ được mốc thời gian xảy ra những sự kiện ấy là lúc nào, vào năm tôi học lớp mấy. Tôi chỉ còn nhớ đó là khoảng thời gian học cấp một, vì đoạn đường quen thuộc, vì khung cảnh quen thuộc cứ hiển hiện trong ký ức của tôi.
Đường từ nhà đến trường phải leo lên một con dốc, với những vỉa hè lổm chổm mà ba dặn tôi phải luôn bám sát vào mà đi. Thời đó chúng tôi chẳng có mũ nón gì, cứ phơi đầu trần mà đi học. Lúc trưa về trời nắng chang chang thì tranh nhau mà nép vào những bóng cây. Đôi khi bóng cây đổ ra ngoài mặt đường, tôi và đám bạn lo tranh giành phần bóng mát mà quên mất lời ba dặn phải đi trong vỉa hè.
Tôi còn nhớ nhà tôi ở trong hẻm, khi ra khỏi hẻm sẽ thấy con Phượng, và một vài đứa nhà ở ngoài đường chính cũng đang cắp cặp chuẩn bị đến trường. Chúng tôi hoà vào con đường, vừa đi vừa gặm cục xôi hay ổ bánh mì, khi vừa đến cổng trường là vừa hết. Có lẽ tôi hay ăn sáng ở nhà nên tôi không ấn tượng lắm với cảnh mình có cầm một cục xôi hay ổ bánh mì nào không.
Tôi hay chơi với con Phượng nên bây giờ nghĩ lại tôi vẫn còn nhớ mặt nó, một cái kiểu rất điệu đàng tiểu thư và đôi chân nó khi đứng cứ như sắp khuỵu ngã đến nơi. Những đứa khác trong lớp thì mờ nhạt. Trong nhóm mà tôi hay chơi suốt cấp một còn có con Xuân, con Hạnh, con Tú, con Trang. Tôi vẫn còn nhớ nhà con Phượng làm bún tươi. Tôi thường thấy những dòng nước trắng trắng chảy từ nhà nó ra đường rãnh xuống cống. Tôi thích sang nhà nó đọc sách nhưng vì nhà nó có một bàn thờ tổ tiên thật hoành tráng với nhang đèn thắp rực rỡ, mà hồi nhỏ tôi lại rất sợ những khung cảnh như vậy, nên tôi cũng chỉ sang mượn sách về nhà. Thực ra nhà nó không có nhiều sách bằng nhà tôi, chỉ là nó có những cuốn báo học trò, những cuốn truyện tranh rất hấp dẫn mà ba không cho tôi đọc, nên tôi thường mượn đọc xong trả lại ngay.
Xuân và Tú học giỏi ngang ngửa tôi và ba đứa tôi thay phiên nhau đứng trên bục cột cờ lãnh thưởng cuối năm. Chỉ 3 đứa giỏi nhất lớp mới được vinh hạnh nhận giải thưởng học sinh xuất sắc trên cột cờ. Những học sinh xuất sắc khác từ hạng 4 trở đi thì chỉ được lãnh thưởng tại lớp. Cho nên nếu ba tôi thấy tôi được đứng ở cột cờ vào lễ tổng kết năm học thì ba sẽ rất vui, nếu không thì chắc cũng không sao, tôi không biết ba có buồn không nhưng tôi thì rất buồn và cảm thấy ghen tị, nhất là nếu đứa đứng trên cột cờ không phải tôi mà là Xuân và Tú.
Hạnh là một đứa đẹp gái và nét đẹp của nó rất thanh tao. Nó là hot girl của lớp và rất nhiều thằng con trai trong lớp thích nó, dù nó học hành không xuất sắc. Hồi ấy chỉ mới cấp một thôi mà chúng nó đã bày trò yêu đương. Chúng tôi chứng kiến thằng Thuận con nhà giàu trong lớp, ba mẹ có tiệm vàng, đã đem một chiếc nhẫn vàng đến lớp tặng cho con Hạnh, nhưng bị con Hạnh vứt ra ngoài sân. Rồi thằng Thuận thất tình và nó thường chòng ghẹo những đứa con gái khác trong lớp để chọc tức con Hạnh. Nhóm chúng tôi chơi thân với con Hạnh nên liên minh lại để thằng Thuận không dám đụng đến. Nhưng thằng Thuận cũng đẹp trai, lại còn con nhà giàu, nên tôi nghĩ cũng khá nhiều đứa con gái trong lớp thích thầm nó. Có điều nó học dốt mà còn hay nghịch ngợm nên tôi không ưa nó, tôi chỉ thích những bạn học giỏi. Tôi nhớ là thời cấp một tôi có cảm mến một bạn trông thư sinh, hiền lành, nhà bán đồ điện ở đường Hoàng Diệu nhưng bây giờ nghĩ lại tôi không thể nào nhớ tên.
Tôi nhớ thỉnh thoảng tôi ghé nhà con Hạnh chơi búp bê. Nhà nó ở gần trường nhất, cách chỉ mấy căn nhà, nhưng phải đi vào một con hẻm và con hẻm đó có nhiều chú đầu gấu nhìn dữ dằn làm tôi thấy sợ, mặc dù chẳng ai làm gì tôi cả. Nếu tôi vượt qua được nỗi sợ đó mà vào được nhà con Hạnh thì sẽ thoả thuê chơi búp bê vì nó có rất nhiều. Thường thì chúng tôi ngồi may quần áo cho búp bê. Tôi cống hiến cả tuổi thơ của mình cho việc may quần áo búp bê nhưng lại không phải là búp bê của tôi. Cho đến một năm nọ có lẽ khi tôi học gần cuối cấp một, tôi mới được ba mẹ mua cho con búp bê và hai chị em phải chơi chung với nhau, đến lúc ấy thì kỹ năng may quần áo của tôi đã đỉnh lắm rồi nên không phải tập tành gì nhiều.
Trang là một đứa sôi nổi và tính tình hoà đồng nhất nhóm, ai nó cũng có thể trò chuyện. Nhà nó thì xa hơn nhà tôi một quãng đường gấp đôi, và lại ở ngay một đỉnh dốc khác. So với nó, tôi đi bộ ít hơn nhiều. Nhà của Trang thì lại ở gần xưởng kem của nhà ngoại tôi, nên thỉnh thoảng, tôi thấy nó mua kem tại xưởng của nhà ngoại. Nếu tôi có mặt ở đó, tôi sẽ không ngần ngại mời nó một que. Cậu Út của tôi cũng biết nó, và biết cả con Hiếu ở cùng xóm với nó. Vì lúc con Hiếu có bầu và nghỉ học vào năm lớp 7, cả một con đường Phạm Ngũ Lão xôn xao hết cả lên.
Bây giờ tôi nhắm mắt cũng có thể tưởng tượng ra con đường đi từ trường cấp một Trần Văn Ơn về nhà mình, một căn nhà vườn với nhiều cây cối mà tôi sống ở đó gần 15 năm. Đoạn đường đi học về có tôi, con Trang, con Phượng vì chúng tôi cùng chung tuyến đường. Tú thì được ba đưa đón suốt 5 năm cấp một. Còn Xuân thì nhà ở hướng khác, cùng tuyến đường đi về nhà ngoại của tôi. Sau này đến khi tôi học lớp bốn thì em tôi vào lớp một, thế là chúng tôi có thêm một người bạn đồng hành. Đoạn đường đi về thật thoải mái vì chúng tôi được tan học, được trở về nhà ăn cơm vì lúc ấy chúng tôi thường hay đói, cứ đến giờ tan trường là cái bụng đã đánh trống lên rồi, mà cũng chẳng có tiền để ăn quà vặt gì cả. Và điều làm chúng tôi thoải mái hơn cả chính là khi đi về nhà thì đoạn đường đi xuống dốc. Thật may vì trường học nằm ở trên dốc và nhà chúng tôi nằm ở dưới dốc, vì khi tan học về với cái bụng đói mà phải đi theo chiều ngược lại thì không biết bao giờ mới về đến nhà nhỉ.
Đoạn đường đó còn có nhiều kỷ niệm mà tôi sẽ kể vào khi khác, những kỷ niệm in hằn lên nhau vào những năm khi tôi lớn hơn, cấp hai, cấp ba… Một đoạn đường có rất nhiều thứ xảy ra vì nó gắn liền với tuổi thơ tôi suốt 15 năm khi gia đình tôi còn ở nơi đó.
Tôi không thể ước cho thời gian quay lại vì thực ra quay lại cũng chẳng có ý nghĩa gì cả. Những gì đã qua, một là cho ta bài học, hai là cho ta hoài niệm. Hoài niệm là một điều gì đó thật đẹp đẽ, dù cho lúc đang xảy ra thì nó cơ cực và xấu xí, nhưng đã qua rồi thì đều đẹp cả. Khi ngồi nhớ lại thuở cấp một của mình tôi vẫn có thể mường tượng ra cái cổng trường như thế nào, có cái chùa sát bên trường luôn làm tôi sợ, những bà bán hàng rong ven đường, nỗi thèm thuồng được ăn quà vặt của mình, những bóng mát trên đường đi, tất cả xúc giác, khứu giác, cảm giác đều quay trở lại, thật kỳ diệu. Tuổi thơ là một món quà có thể xài đi xài lại hoài hoài. Thỉnh thoảng tôi mở chiếc hộp ký ức tuổi thơ ra và ngắm nghía một chút, cho lòng mình yên tĩnh, xoa dịu những vết thương tâm hồn hình thành nên do quá trình trưởng thành. Tôi viết những dòng này ở tuổi có thể làm mẹ, mà sao vẫn cứ rưng rưng.