Con gái ba mươi mốt tuổi đầu, mới có người yêu chứ chưa lấy chồng, vậy mà nhiều khi nhớ ba mẹ nằm khóc rưng rức.
Bôn ba ở Sài Gòn cũng hơn chục năm. Kể từ ngày ba mẹ tiễn lên xe để vào Sài Gòn ăn học, sau đó là những lần về thăm nhà, hay những lần ba mẹ lặn lội xuống thăm con gái, lúc nào khoảnh khắc chia xa cũng làm mình bịn rịn mủi lòng. Chợt nghĩ sao thời gian trôi nhanh quá vậy, mới đó mình đã đến tuổi phải trưởng thành và lập gia đình, rồi mình sẽ làm cha mẹ trong vài nốt nhạc nữa thôi. Vậy mà cái nỗi nhớ nhà nó cứ đeo đẳng vậy đâu có cách gì cứng rắn hơn được.
Kỳ thực mỗi lần ở gần mẹ cha thì chẳng bao giờ dạ một tiếng cho người vui lòng, lúc nào cũng tỏ ra mình lớn rồi, không cần lời dặn dò của người nữa. Nhiều chuyện con ra đời vấp váp cũng khôn thêm nhiều, đọc sách báo xem trên mạng thế giới phẳng thứ gì mà con chẳng tra cứu được. Ba mẹ nói những điều đã cũ, từ năm này qua tháng nọ, cứ nói mãi con nghe quá quen thuộc và lỗi thời rồi, con chẳng muốn nghe nữa. Vậy mà đến lúc con mệt trong người, đổ một trận bệnh, lại thấy mình yếu đuối vô bờ, chỉ muốn gọi về cho ba hỏi uống thuốc gì cho đỡ bệnh đây. Những lúc con ra đời bị ức hiếp tức quá không thể đáp lại, thì chỉ muốn gọi về kể lể cho mẹ nghe trút đi bao nỗi muộn phiền trong lòng. Ba mẹ tuy đã cũ kỹ, già nua, nhưng vẫn luôn ở đó chờ con quay về. Còn những thứ mới mẻ, lạ lùng ở đời kia, quen thuộc được rồi thì lướt qua như một cơn gió, có ai đứng mãi để chờ đợi con đâu.
Mỗi một lần về thăm nhà, ba mẹ lại cắc củm gói ghém cho con đem đi những món ăn mà con thích, những bộ quần áo mẹ mua để dành tặng, cục xà bông Mĩ thơm xịn mà mẹ được cho, cũng để dành cho con. Dù bây giờ con làm ra tiền đủ để mua tất cả những thứ đó, đôi khi cũng thấy nặng nề khi hành trang đi xa của con toàn những món quà quê mà con có thể dùng tiền mua được hết, có dịch vụ chuyển phát tận nơi, thấy ba mẹ thật rườm rà quá… Nhưng rồi, lúc ngồi một mình, lần giở ra những món đồ, mà nghẹn ngào vì nó đâu chỉ là vật chất, nó là tình thương của ba mẹ cứ theo con mãi cả đời, tiền làm sao mà mua được.
Những lúc ba mẹ vào thăm vài ngày rồi về, tiễn ba mẹ lên xe rồi tối đến ngồi lặng im cầu nguyện cả buổi, chỉ mong ba mẹ được bình yên. Chợt thấy mình đã già rồi, mình không còn hay giận hờn và oán trách ba mẹ như hồi nhỏ. Ngày trước, hễ ba mẹ nói chuyện gì trái ý, bắt mình làm điều gì không thích, thì đều nghĩ xấu cho ba mẹ. Ngày trước, hễ bị ba mẹ la rầy thì đều cảm thấy hậm hực trong lòng, muốn bỏ nhà ra đi thật xa để ba mẹ phải hối tiếc vì rầy la mình. Bây giờ, ba mẹ có lẩn thẩn, chậm chạp, lạc hậu, thì cũng chỉ mong ba mẹ luôn còn đó để mình chạy về khóc tức tưởi khi cuộc đời đối xử bất công với mình. Khi nào ta cảm nhận được ta cần ba mẹ thì lúc đó ta đã già và quãng thời gian của người cũng thu ngắn lại mất rồi.
Ở tuổi này mà đôi khi con còn cảm thấy chông chênh với cuộc đời, thấy sức nặng trên đôi vai mình sắp phải gánh, thấy mình buộc phải trưởng thành, thì mới biết thương ba mẹ và hiểu được nỗi lo toan bao năm ròng rã, nỗi cực nhọc suốt những năm tháng ba mẹ phải bỏ ra để nuôi dạy con. Cuộc đời này là vậy, chẳng ai hiểu được vị trí của ai cho đến khi mình nằm trong chính vị trí ấy. Tại sao người ta làm ra nhiều chương trình để dạy cha mẹ phải hiểu tâm lý con cái, nhưng rồi tâm lý của cha mẹ thì ai hiểu cho đây. Con cái có sai lầm thì quay về cha mẹ vẫn dang tay ra đón chào, nhưng cha mẹ thì không được quyền sai lầm nữa vì họ đang mang vác một trách niệm nặng nề trên đôi vai, từng bước đi phải vững chãi và chuẩn xác, không để gia đình lâm vào cảnh nguy khó. Nếu họ sai lầm, làm gì còn ai có thể dang tay ra giúp họ, ngoại trừ cha mẹ của chính họ, nhưng lúc đó họ cũng chỉ có thể quệt mồ hôi, lau nước mắt mà bước tiếp, vì thế hệ trước có lẽ đã quá già, hoặc đã đi xa mất rồi.
Có những đứa trẻ bên trong những hình hài người lớn, dù lớn rồi nhưng nước mắt cứ rơi đầy.
(Viết tặng ba, mẹ, và em gái mình)
(Lưu lại để nhắc nhở mình phải thương ba mẹ nhiều hơn)