Chuyện chưa kể về trầm cảm và quá trình vượt qua

Viết bởi Cô Đào vào 2021-09-01
Chủ đề:

Untitled.png

Đó là một năm có nhiều sóng gió trong các mối quan hệ và cũng nhiều biến cố xảy đến với gia đình mình. Đó cũng là năm mà mình nhận ra rất nhiều bài học, rất nhiều triết lý sâu sắc cho cuộc đời, những điều mà trước đây nó nằm trên lý thuyết suông thì đến năm đó mình được cảm nghiệm một cách thực tế và rõ ràng nhất.

Mình không tiện nhắc cụ thể đó là năm nào, vì vẫn còn những dây mơ rễ má đến tận bây giờ. Nhưng đó là một năm mà mình sống trong nước mắt rất nhiều.

Mình đã không hề nghĩ là mình bị trầm cảm ngay trong lúc sự việc xảy ra. Mình chỉ cảm thấy một cảm xúc nặng nề, tiêu cực, buồn chán, thất vọng, sụp đổ cứ liên tục thay nhau đeo bám mình. Khi nghe câu chuyện, có thể mọi người không cho đó là gì nghiêm trọng, những yếu tố là bình thường với người này có thể là một điều gì đó rất ý nghĩa với người khác, cho nên bởi thế, họ dễ sụp đổ vì những điều mà không ai ngờ.

Với mình, tìm kiếm một người bạn đích thực luôn là nỗi ám ảnh, bởi từ nhỏ mình đã thiếu tự tin và điều đó dẫn đến mình không có nhiều mối quan hệ bạn bè. Mình vốn thu mình vào trong vỏ ốc và chỉ trở nên cởi mở, thân thiết hơn với những ai chủ động tốt với mình và khiến mình đặt niềm tin vào họ. Lớn lên, mình cởi bỏ dần lớp áo thiếu tự tin ấy và dễ kết bạn hơn, nhưng những ẩn ức về sự thiếu liên kết với các mối quan hệ xung quanh vẫn còn. Những điều ấy vô hình trung tạo cho mình một lối sống là rất coi trọng những ai mà mình đã kết bạn, rất để tâm vào một mối quan hệ và một khi đã đặt niềm tin thì sẽ không bao giờ ngờ vực nhau. Nhưng rốt cuộc, mình có hiểu “tình bạn” là gì không? Có lẽ là không, cho đến cái năm định mệnh đó.

Mình có một người bạn vốn là đồng nghiệp làm từ công ty cũ, rồi thấy hợp tính và chơi với nhau kể cả khi đã nghỉ làm. Nhưng có lẽ điều mình cảm thấy sai lầm nhất là mình cứ ngỡ mình hiểu hết về bạn ấy, và cứ thế tiếp tục chơi với nhau một cách hời hợt. Và mình nghĩ đó là một tình bạn thân. Mình đã giới thiệu bạn ấy vào làm cùng công ty mới của mình và may mắn thay, bạn ấy rất được lòng sếp cao nhất. Mình thực sự không cảm thấy ganh tị mà còn thấy vui vì nếu sếp ưu ái bạn ấy thì mình cũng sẽ được nở mày nở mặt vì mình là người giới thiệu mà. Mình rất vô tư và không nghĩ gì nhiều, cũng không nhận ra điều khác lạ bất thường cho đến một ngày, mình biết được bạn ấy đang cặp bồ với sếp mình (một người đã có gia đình) và được hưởng nhiều bổng lộc cùng cuộc sống sung túc vật chất. Đó là một thông tin làm mình bàng hoàng, rất sốc và không thể tin được, hơn nữa mình còn cảm thấy vô cùng xấu hổ khi biết được điều đó. Tệ hơn là chuyện cặp kè của bạn ấy cùng với mối quan hệ được mệnh danh là bạn thân với mình, khiến cho một số suy nghĩ rằng tụi mình là kẻ trục lợi, xuất hiện. Thế rồi mình đành giả vờ như không biết và tỏ ra hết sức bình tĩnh, công tâm khi làm việc cùng bạn ấy, nhưng tuyệt nhiên ngoài giờ làm việc mình viện cớ bận để không kết giao với bạn ấy nữa. Bởi đối với mình, đó là vấn đề về nhân cách và nếu mình biết bạn ấy là người như thế từ đầu, mình đã không kết bạn. Mình cũng bắt đầu nghiệm lại quá trình làm bạn với nhau vì lúc ấy mình chợt nhận ra, sao mình không hiểu gì về con người này. Sau khi lần chuỗi lại những sự kiện xảy ra trong quá trình chơi với nhau suốt 4 năm, mình chột dạ và nhận ra, ồ thì ra bạn ấy vốn là như vậy mà do mình không nhận thấy. Mình bắt đầu nhận ra bài học về những giá trị cốt lõi để xây nên tình bạn, không phải cứ ăn chơi hợp nhau, không phải cứ tụ tập đình đám, mà phải xuất phát từ sự đồng điệu trong quan điểm, tư duy, lối sống, đạo đức, những điều mà mình vốn không hề hiểu gì về bạn ấy ngay từ đầu.

Cùng lúc khi mình biết được thông tin sốc đó, thì bỗng nhiên bạn ấy cùng một vài đồng nghiệp ở công ty có thái độ khác với mình, họ né tránh tiếp xúc, không trò chuyện và khiến mình bị cô lập. Đỉnh điểm là khoảng tháng 4 năm đó, kéo dài cho đến tận tháng 9, lúc ấy văn phòng chỉ có tụi mình vì cấp trên thường xuyên bận việc phải đi công tác xa, thành ra mình đi làm lên tới văn phòng thì ngồi một mình, ăn trưa cũng một mình, các hoạt động cần phải giao tiếp cho công việc thì diễn ra trên nhóm chat của công ty chứ không hề nói trực tiếp với nhau. Còn bạn ấy cùng một vài đồng nghiệp thường chơi chung với tụi mình thì tách ra và họ trò chuyện cười đùa với nhau, khi mình cố gắng tham gia cuộc trò chuyện thì bị đáp lại bằng một sự im lặng đáng sợ. Mình cũng không hiểu vì sao sự việc tự nhiên lại diễn tiến như vậy và đẩy lên đến cùng cực. Mình hoang mang, buồn bã, bực dọc, lo sợ nhưng rồi cố trấn tĩnh, cố gắng tích cực, nghĩ thoáng hơn và lặp lại mớ cảm xúc ups and downs này trong một thời gian thật dài.

Khi ấy người mà mình thường hay tâm sự trò chuyện nhất là người yêu mình, nhưng anh đang ở Nhật và tụi mình yêu xa. Mình còn nhớ rất rõ có những lúc mình tức đến phát khóc, và mình mặc cho cảm xúc kéo đến, mình đã khóc rất nhiều trên điện thoại với người yêu. Nghĩ lại, có lẽ khoảng thời gian đó, mình đã làm cho người yêu mình mệt mỏi lây, vì dù anh ấy có cố gắng khuyên nhủ mình thế nào, mình cũng cố gắng suy nghĩ tích cực hơn ra sao, thì chỉ được một vài ngày. Khi đi làm, đối diện với sự lạnh nhạt và cô lập từ đồng nghiệp, cảm xúc của mình lại trỗi dậy. Mình kiềm nén ở trên công ty, cố gắng tỏ ra rất ổn, nhưng đến tối về nhà mình lại ôm gối nằm khóc, lại tỉ tê kể lể với người yêu. Nhiều lần mình định phơi bày chuyện của bạn mình cho tất cả những ai quen biết cả hai tụi mình, từ những người bạn chung từ công ty cũ, đến những đồng nghiệp ở công ty lúc đó (hẳn chưa có nhiều người biết). Nhiều lần mình định báo cáo với cấp trên về tình hình đang diễn biến trong môi trường làm việc. Nhưng rồi, bằng sự trấn an và chân thành khuyên nhủ từ người yêu, mình đã không làm vậy. Do đó mình thấy, trong những lúc nội tâm đang xáo động, trong những lúc bản thân rơi vào trầm cảm, có một người bên cạnh để chia sẻ có thể giúp cho mọi thứ dịu đi khá nhiều.

Khi ấy mình không cho rằng mình đang bị trầm cảm. Mà mình định nghĩa sự việc đó là một việc bullying nơi công sở, một cú sốc, một biến cố kinh khủng xảy ra trong hành trình sống của mình. Mình vốn tự chủ và biết cách tách bạch các dòng suy nghĩ, nên mình hiểu chuyện đó rồi cũng sẽ qua. Nhưng mình đã chờ mãi, cho đến khi bạn ấy bị đuổi việc vào cuối năm đó, mà cảm xúc của mình vẫn chưa lắng dịu chút nào. Tàn tro của cơn bão lửa đó kéo dài mãi cho đến tận một năm sau. Mỗi khi nhắc lại những chuyện cũ, mình đều cảm thấy trào dâng lên một cảm xúc bực bội khó tả, nó như vết thương mà mình cố tìm cách chữa lành đều không được.

Và rồi, mình không cố tìm cách để chữa nó nữa. Mình đợi thời gian trôi. Có những lúc khi nhắc lại về chuyện ấy với người yêu hay với người thân của mình (những người mà sau này mình cũng thổ lộ cho họ), thì mình cố nạo vét những cơn giận dữ, bực bội và trút hết ra. Có điều gì cần nói xấu, cần căm thù, cần ghét, thì mình cứ để cho nó được tuôn chảy ra hết mà không cố phải kiềm lại để trong lòng làm gì. May mắn thay mình có những người luôn ở bên và lắng nghe mình. Họ trở thành cái “thùng rác” của mình trong những giây phút ấy, mà thực sự mình biết ơn họ rất nhiều. Không phải ai cũng sẵn sàng trở thành “thùng rác”, nhưng vì yêu thương mình, họ trở thành “thùng rác” để mình được tuôn xối xả những cảm xúc tiêu cực trong lòng ra. Tuôn hết rồi, thì không còn gì để tuôn nữa. Rồi mình vượt qua.

Thời gian cũng góp phần chữa lành cho mình rất nhiều sau cơn địa chấn ấy. Ban đầu, sức nóng của cơn trầm cảm không thể dịu đi ngay được. Nó cần được tưới nước cho mát, rồi nó cần thời gian, nó cần những cơn gió thổi qua. Mình cũng biết điều đó nên mình chủ động tìm những điều tươi mới như nguồn nước tưới mát cho bản thân. Mình dành sự tập trung cho việc học vẽ, đọc sách, mở rộng những mối quan hệ tích cực và có chọn lọc, giao lưu với những người tốt, tham dự buổi nói chuyện của những người đã đi qua giông bão và có nhiều câu chuyện đáng được khắc ghi… để rồi mình nhận ra vấn đề của mình thật nhỏ bé và chẳng đáng để giận dữ và lưu tâm đến vậy.

Sau này đọc thêm nhiều bài viết về trầm cảm, mình mới nhận ra mình đã từng gặp phải nó, đối diện với nó mà không hề hay biết. Mỗi người có cách để vượt qua nó mà không có công thức nào phù hợp cho tất cả. Trong trường hợp của mình, mình được lắng nghe, được chia sẻ, được trút bỏ, được xả van thoải mái, được nói về nó và không né tránh nó đến khi nào nọc độc của nó cạn kiệt dần trong mình. Chỉ cần còn giữ lại một chút không xả ra, nọc độc đó sẽ tiếp tục phát triển và làm mình nhức nhối mãi thôi.

Đến bây giờ khi viết những dòng này, mình cảm giác như kể một câu chuyện cũ và học được nhiều bài học từ đó, hơn là kể lại một chuyện buồn. Mình không cảm thấy run lên bần bật, hay cơn uất ức trào dâng lên cổ họng như khi sự việc vừa chấm dứt nữa. Bây giờ vết thương đã lành, để lại một cái sẹo mờ như một dấu tích của sự trưởng thành, vậy thôi.

Trong đời sẽ còn nhiều biến cố, và nếu biến cố ấy vượt quá giới hạn chịu đựng của bản thân, nó sẽ dễ làm ta rơi vào trầm cảm. Mình đọc Chủ nghĩa Khắc kỷ và hiểu rằng, trước đây khi gặp phải những chuyện như vậy, mình bị tác động khủng khiếp đến thế trong khi với người khác thì chuyện ấy chỉ là “muỗi”, bởi vì cuộc đời mình khá êm đềm, mình chưa đối diện với chuyện gì kinh thiên động địa, mình chưa gặp nhiều bất trắc trong cuộc sống hay các mối quan hệ. Cho nên mình đang cố tập luyện triết lý của Chủ nghĩa Khắc kỷ là đôi khi để cho bản thân thiếu thốn một tí, để cho bản thân làm quen với sự buồn rầu, nhàm chán một tí, nó giúp cho tính đàn hồi (resillience) trong tư tưởng của mình được co giãn và chịu được lực mạnh hơn. Như vậy sẽ giúp mình lúc đối diện với những phong ba bão táp sẽ không cảm thấy đau khổ nhiều nữa (tất nhiên vẫn sẽ có đau khổ nhưng nó sẽ không hạ gục mình dễ dàng).

Và sau tất cả, mình cảm thấy câu này rất đúng:

“This too shall pass” (Rồi mọi chuyện cũng qua)

Khi soi chiếu những chuyện xảy ra tại một thời điểm trong đời, với cuộc đời dài mấy chục năm, và rộng hơn nữa là với lịch sử của loài người, ta thấy vấn đề của mình sẽ trở nên nhỏ bé hơn. Khi chuyện tồi tệ đang xảy ra, ta tự nhủ rồi nó cũng sẽ qua, thì ta có thể chịu đựng được nó tốt hơn, dù cho đó là một nỗi đau không thể chịu đựng nổi. Hãy cứ chịu đựng nó, vùng vẫy trong nó, trải qua nó, nhưng đừng bỏ mình vì nó.

Đó là cách mà mình đã vượt qua trầm cảm mà mình cũng chẳng hề hay biết. Bây giờ nghiệm lại, quả là một chặng đường không hề dễ dàng.

Mình kể vậy. Và sống tiếp thôi.