Sáng nay mình dạo Facebook thấy Nhã Nam giới thiệu phát hành quyển How Money Works - Hiểu biết về Tiền thấy thú vị nên dù trước đó, mình đã tự nhủ sẽ nghỉ ngơi, ngưng đọc về chủ đề kinh tế, tài chính một thời gian nhưng cuối cùng vẫn cầm lòng không đặng. Mình lên Amazon Kindle Store tìm quyển này để mua bản điện tử (nhưng không thấy, chỉ có paperback) nên đành đọc chùa bằng file pdf mà mình tìm thấy trên mạng. Ngồi nhà đọc một hồi thì thấy uể oải nên vác máy theo ra công viên thành cổ Osaka để đọc tiếp. Đến đoạn Income (thu nhập) khác với Wealth (giàu có) như thế nào, có phải high income thì là wealthy không?… Nhận thấy bản thân (cũng như nhiều bạn trẻ khác) chưa phân biệt rạch ròi được hai thứ này nên có cảm hứng viết tiếp một bài về tài chính cá nhân đăng trên blog của gia đình Kiwi.
Việt Nam vốn là một nước thuần nông, nên dân ta đã quen “trông trời, trông đất, trông mây”, không lạ gì thiên tai, hạn hán, lũ lụt. Thêm nữa, chúng ta chỉ mới thoát khỏi chế độ phong kiến lạc hậu, lại vừa trải qua vài mươi năm chiến tranh loạn lạc. Dễ thấy, ông bà ta từ lâu đã quen với những hoàn cảnh khắc nghiệt nên hình thành tính cần kiệm, luôn chịu khó tiết kiệm và tích lũy. Không dư thì thôi, chứ dư ít dư nhiều thì ông bà ta hay dành ra để mua vàng, mua đất, làm của và dành lại cho con cháu. Thế hệ ông bà mình, nói chung, đã làm tốt quá đi chứ, họ tiếp thu từ kinh nghiệm của những người đi trước cũng như được hoàn cảnh trui rèn. Họ đâu cần học về tài chính cá nhân, nhưng vẫn có của ăn của để, còn thế hệ chúng ta thì sao, có cần phải học về tài chính cá nhân không?
Có, rất cần là đằng khác. Vì nhiều lẽ:
- Nếu như ông bà mình chỉ cần biết chịu khó, khéo vun vén kiểu “trời sinh voi sinh cỏ”, thì chúng ta, với mức sống ngày một cao hơn cũng như chi phí ngày càng đắt đỏ, bất động sản với giá cao phi lý và ngày càng xa tầm với của người lao động với thu nhập trung bình thì liệu câu tục ngữ trên có còn phù hợp?
- Nền kinh tế thế giới đang thay đổi rất nhanh, tạo ra nhiều cơ hội nhưng bạn cần phải hiểu về nền kinh tế, về thị trường, về tài chính để nắm bắt chúng. Nhưng bỏ lỡ cơ hội, thôi thì cũng không hà gì, phải không? Tuy nhiên, cũng vì nền kinh tế thế giới thay đổi quá nhanh, và ngày càng phụ thuộc lẫn nhau bởi xu hướng toàn cầu hóa (bạn đã thấy tác động của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế rồi chứ?), chúng vì vậy sẽ có rất nhiều lỗ hổng, và sẽ có rất nhiều đợt điều chỉnh, suy thoái, khủng hoảng, đại khủng hoảng - Chỉ tính riêng tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, một đợt khủng hoảng tài chính như hồi 2008-2009, hàng triệu người mất việc làm, mất nhà cửa, … Bạn đừng đổ tại dân Mỹ không có tính tiết kiệm nên dễ bị mất việc, mất nhà khi gặp khó khăn, vấn đề không chỉ đơn giản như vậy đâu - Bạn có thể xem phim The Big Short để hiểu hơn về sự điên rồ và tham lam của giới tài chính, hậu quả thảm khốc do họ gây ra nhưng người dân phải đứng ra chịu thay. Việt Nam ta quy mô nền kinh tế còn bé, nên ảnh hưởng chưa nhiều đấy thôi -> Thuyền to thì sóng cả. Chính bạn phải đủ hiểu biết để ít nhất không trở thành nạn nhân của những đợt “xén lông cừu” đấy? Bạn có phân biệt được lạm phát với giảm phát? Bạn có biết cái nào thì đáng sợ hơn? Bạn có biết công cụ nào để chống lại lạm phát? Còn công cụ nào có thể chống lại giảm phát? Bạn có thể đọc thấy những tín hiệu báo trước những đợt lạm phát mất kiểm soát hay báo trước những đợt giảm phát để có hành động phù hợp để bảo vệ bản thân và gia đình? Có đúng là vàng, hay nhà đất thì lúc nào cũng sẽ tăng theo thời gian và là tài sản trú ẩn an toàn?
- Bạn có thể cố gắng làm lụng, tích lũy cả đời, đầu tư cho con cái học hành đến nơi đến chốn, để lại nhiều của cải vật chất cho con cái, nhưng nếu bạn không dạy chúng tư duy đúng đắn về đồng tiền thì núi vàng núi bạc cũng lở.
- Theo quan niệm truyền thống của ông bà ta nhiều đời nay, cố gắng đầu tư cho việc học hành của con cái, để khi đến tuổi không còn lao động được nữa thì con cái sẽ nuôi mình, và như vậy đã khoán hết phần đời còn lại của mình cho con cái. Rất ít các bạn trẻ hiện nay nghĩ đến cuộc sống sau khi về hưu của mình sẽ như thế nào? Liệu mình có trở thành gánh nặng cho con cái hay không? Riêng cá nhân mình thì nghĩ nếu bản thân có thể đảm bảo được tài chính khi về hưu cũng là một cách tạo sự tự do cho con mình được thỏa sức vùng vẫy trong cuộc đời riêng của nó.
Mình xin tạm dừng ở đây, vì nếu mà kê hết ra những lý do mà bản thân mình thấy thuyết phục để dành thời gian quan tâm nhiều hơn đến tài chính cá nhân thì sẽ còn hằng hà sa số nữa. Xin hẹn bạn một dịp khác.