Cậu Sáu tôi

Viết bởi Cô Đào vào 2016-09-06
Chủ đề:

Untitled.png

Có những nhân tài không được xã hội trọng dụng, không có cơ hội chứng minh bản thân. Nhưng họ vẫn có ích cho gia đình họ, cho chính bản thân họ. Nhược điểm duy nhất chính là vì họ quá hiền lành và yếu đuối, hay nói đúng hơn là không có máu hơn thua với đời mà thôi.

Tôi có ông cậu, từ nhỏ đã học hành xuất chúng. Nhưng sau giải phóng, tài sản của gia đình bị tịch thu, gia nghiệp lụn bại. Ông ngoại tôi trước đó đường đường là giám đốc sở điện lực của tỉnh nhưng khi thời thế thay đổi, vẫn không đủ sức gồng gánh gia đình 10 người con. Trước giải phóng các cậu dì và cả mẹ tôi đều được cho đi học trường tây, được ăn ngon mặc đẹp. Nhưng sau giải phóng, những đứa con của ngoại đều phải tự nghỉ học để lo cho kinh tế gia đình. Thiếu ăn, thiếu mặc, thì cũng chẳng thể nào đi học được. Nhất là đối với những gia đình công giáo lại bị gán cho là theo tây thời ấy, lại càng bị tịch thu dữ dội và trở nên khánh kiệt. Lúc ấy cậu chỉ mới học xong lớp mười, rồi nghỉ học. Từ đó, cậu ở nhà phụ giúp công việc gia đình, học điện cơ, điện lạnh từ ông ngoại. Rồi cùng với các anh em trai tạo ra một xưởng kem nhỏ. Máy móc thiết bị của xưởng, từ máy bào, máy ép đến máy đông lạnh đều do các cậu tự chế.

Cũng do thời thế, hay do tính cách, hay do số phận con người, chẳng hiểu. Mà việc kinh doanh lúc thăng lúc trầm. Thời điểm vàng son nhất là những năm 90-95, xưởng kem buôn bán đắt đỏ, cuộc sống được cho là sung túc nhất, ai cũng vui mừng phấn khởi. Nhưng rồi sau đó, lại cũng vì những thiếu sót trong chiếc lược kinh doanh mà một gia đình vốn đang yên ấm trong nhung lụa không biết cách nào xoay xở trước những khó khăn, nên đành giải tán. Mỗi anh em lại bắt đầu sự nghiệp của mình. Riêng cậu vẫn mải mê yêu thích nghề điện, nên đã trở thành một người sửa chữa lắp ráp hết sức lành nghề. Cậu chuyên lắp ráp máy theo đơn đặt hàng của các cơ sở sản xuất, cậu không lắp máy để kinh doanh, vì cậu thật sự cũng không biết cách kinh doanh. Dù máy móc của cậu toàn là những chiếc máy đặc biệt, có độ bền và tuổi thọ cao, ai cũng thích. Đôi khi những chiếc máy cậu chế tạo có công năng và hiệu suất hơn hẳn những chiếc máy bình thường. Nhưng đáng tiếc là ai cũng chỉ muốn lợi về mình, trả công cho cậu rất thấp, so với những gì họ nhận được. Còn cậu lại chẳng biết tính toán, chẳng biết cách tận dụng tài năng của bản thân… Cậu còn không hề nghĩ rằng đó là một tài năng gì đặc biệt cả.

Tôi nghe kể, có một xưởng bánh mì trong thành phố đã lắp ráp 1 dây chuyền làm bánh rất chuyên nghiệp, máy móc tối tân. Nhưng một hôm, chiếc máy chủ đạo bị hỏng, đem khắp các tiệm điện vẫn không sửa được, không ai biết nó trục trặc chỗ nào. Mới đến nhờ cậu thì cậu chẩn đoán bệnh và sửa ngay cái rẹt. Một cái máy có giá mấy trăm triệu đồng, nhưng cậu tính tiền công vừa đủ mua dụng cụ sửa chữa là 50 nghìn. Người khách vô cùng ngạc nhiên đến nỗi thốt lên: sao rẻ vậy, và đưa luôn cho cậu 100 nghìn. Cả nhà ai cũng nổi điên vì cậu thật thà quá, trong khi gia đình vẫn còn nhiều khó khăn, tiền nong eo hẹp.

Và nhiều lần như thế, cậu cứ bảo thấy ngại khi cầm tiền của người khác, dù đã bỏ công ra làm cho họ. Ai cũng nói ấy là dại, là không biết kinh doanh, hay đúng hơn là không biết quý trọng công sức của mình. Nhưng rồi cậu vẫn thế. Hình như cậu chỉ biết làm, biết sáng chế, kiểu người của cậu lẽ ra phải ở trong phòng thí nghiệm mới phải. Lẽ ra phải có ai đó nhìn thấu tài năng của cậu, đầu tư, quản lý dùm cậu những việc bên ngoài, chỉ để cậu tập trung vào đôi tay và khối óc, thì có lẽ giờ đây cậu đã thành công hơn rất nhiều.

Bạn bè của cậu, những người không giỏi bằng cậu nhưng có tài tháo vát, có điều kiện học hành lấy bằng cấp, nên đã có danh phận trong xã hội, mở công ty chế tạo máy móc, làm việc với các tập đoàn nước ngoài… Còn cậu, vì điều kiện gia đình, lâm vào thời cuộc không ngờ và bởi tính nhút nhát hiền lành nên xã hội không biết đến, không trả công cho cái tài mà cậu xứng đáng được hưởng.

Nhưng tôi vẫn thấy cậu vô tư, thoải mái, có bao nhiêu xài bấy nhiêu, cố gắng chăm chỉ với công việc của mình và không đòi hỏi gì nhiều. Cậu dùng những kiến thức của mình để truyền đạt cho con cháu, dù chỉ học đến lớp 10 nhưng cậu am hiểu hơn những người tốt nghiệp đại học như chúng tôi thời bây giờ. Cậu chuyên tâm vào công việc, thương vợ thương con, sống chẳng gây thù chuốc oán gì với ai và dù chỉ là một người thợ điện, nhưng là một người thợ điện giỏi nhất mà tôi từng biết.

Tôi biết trong xã hội cũng có những người như thế đấy, dù họ chẳng gặt hái được gì to tát, tài năng của họ chẳng sinh hoa kết trái làm giàu cho họ mà thậm chí còn làm giàu cho kẻ khác, nhưng cuộc sống của họ rất đỗi yên bình, không màng vật chất, không vụ lợi, biết vừa đủ, khiến cho người khác phải ngạc nhiên, lạ lẫm, phải thèm muốn vô cùng.