Phim mở đầu bằng đoạn hội thoại tưởng tượng của cậu bé Jojo với Adolf Hitler, với một khí thế hừng hực và niềm hân hoan được phục vụ cho cách mạng, cho Đức Quốc Xã. Tiếp theo nhạc The Beatles nổi lên vui tươi, đoạn này làm mình khoái dễ sợ. Người yêu hỏi: ủa nghe là em biết nhạc Beatles liền hả. Tại vì giọng hát và chất liệu nhạc quá đặc trưng của The Beatles mà từ phổ thông mình đã nghe suốt, nên tuy không biết tên bài hát nhưng nghe giọng mấy chú điển trai thì nhận ra ngay ^^
Phim cũng đang được đón nhận và được mổ xẻ, bình luận trên nhiều diễn đàn nên mình sẽ không có gì để nói thêm. Tuy nhiên có một số suy ngẫm riêng tư mình lưu lại cho vấn đề giáo dục trẻ em.
Trước hết mình trích dẫn lại nội dung câu chuyện để từ đó có thể phân tích theo cảm nhận và góc nhìn của mình:
Cuối Thế chiến II, nước Đức dần trở nên kiệt quệ vì phải căng mình trên cả hai mặt trận phía đông và phía tây. Do đó, những thành phố nhỏ của Đức tuy chưa bị bom đạn tàn phá, nhưng cũng dần cảm nhận được cái kết đang cận kề thông qua sự vắng mặt ngày một dài hơn và nhiều hơn của đàn ông Đức đang phải bán mạng nơi chiến trường theo tiếng gọi cùng mệnh lệnh của Quốc trưởng Adolf Hitler.
Cha của cậu nhóc 10 tuổi Johannes “Jojo” Betzler (Roman Griffin Davis) là một người như thế. Anh phải bỏ lại con trai và người vợ xinh đẹp Rosie Betzler (Scarlett Johansson) để chiến đấu tận Italy xa xôi mà không biết ngày nào mới quay trở lại.
Thiếu vắng hơi ấm của cả người cha đi xa lẫn người mẹ quá bận bịu vì công việc thời chiến, lại vừa mất đi người chị gái Inge vì căn bệnh cúm quái ác, Jojo chỉ còn biết tìm kiếm niềm vui với “lý tưởng” yêu thích của cậu. Đó là toàn bộ những gì dính dáng đến Đảng Quốc xã và lãnh tụ “kiêm” người bạn tưởng tượng của cậu - Adolf Hitler (Taika Waititi).
Mang mộng trở thành “người lính” ưu tú của quân đội Đức Quốc xã trong đầu, Jojo và cậu bạn ục ịch “thân thứ nhì chỉ sau Hitler” Yorki (Archie Yates) gia nhập trại hè Thiếu niên Quốc xã do viên Đại uý “độc nhãn” Klenzendorf (Sam Rockwell) chỉ huy.
Dưới sự “dìu dắt” của Klenzendorf và những huấn luyện viên mẫn cán như “chị” Rahm (Rebel Wilson), Jojo chợt nhận ra rằng mình chỉ là cậu nhóc thỏ đế, ghét bạo lực, không dám thẳng tay chém giết theo lệnh cấp trên.
Nhưng với sự động viên của người bạn tưởng tượng Adolf Hitler và “tình yêu” bất tận với Chủ nghĩa Quốc xã, Jojo “Thỏ đế” quyết tâm chứng tỏ bản thân vẫn là thỏ, nhưng là chú thỏ dũng cảm bằng việc… giật lấy trái lựu đạn huấn luyện của Đại uý Klenzendorf để nếm thử cảm giác nơi sa trường.
Tiếc là anh hùng đâu chẳng thấy, chỉ thấy một trái lựu đạn nổ tung ngay dưới chân Jojo và biến cậu bé thành chú thỏ thương binh khập khiễng, biến dạng mặt, phải ru rú ở nhà trong lúc chúng bạn như Yorki có cơ hội “cống hiến” cho tổ quốc.
Nhưng chính trong chuỗi ngày buồn chán ấy, Jojo mới có cơ hội phát hiện ra rằng đang trú ẩn trong căn phòng cũ của người chị đã mất Inge là cô gái người Do Thái có tên Elsa Korr (Thomasin McKenzie).
Phải xa bố và mất đi người chị thân yêu, nhưng tính ra Jojo vẫn còn hạnh phúc chán nếu so với Elsa - cô gái mới lớn nhưng đã mất đi tất cả người thân bởi cơn cuồng nộ của chiến dịch diệt chủng người Do Thái do chính những “thần tượng” của cậu trong Đảng Quốc xã tiến hành.
Ngay cả khi thoát được những chuyến tàu chết chóc đưa người Do Thái đến các trại tập trung và được Rosie đồng ý che chở trong căn hộ rộng lớn của nhà Betzler, Elsa vẫn phải ngày đêm sống trong nỗi lo sợ bị những gã mật vụ Gestapo như Đại uý Deertz (Stephen Merchant) phát hiện và treo cổ giữa quảng trường như vô số nạn nhân vô tội khác của chủ nghĩa Quốc xã.
Bởi thế, cuộc đời thật trớ trêu khi để Jojo phát hiện ra Elsa. Rõ ràng “lòng trung thành” với Hitler và những ngày tháng đắm mình trong luận điệu tuyên truyền bài Do Thái của Đức Quốc xã là động lực rất lớn để cậu bé khập khiễng lập tức “chỉ điểm” cô gái cho mật vụ Gestapo.
Nhưng ở thái cực ngược lại, nỗi cô đơn cùng cực của một cậu bé lớn lên giữa chiến tranh tàn khốc, cùng sự hồn nhiên và tò mò của con trẻ, đồng thời khiến Jojo nhận ra rằng chỉ có ở Elsa, cậu mới có thể tìm thấy một tình bạn, một người đồng hành hiếm hoi. (theo Zing.vn)
- Mình để ý nhiều hơn đến người mẹ của cậu bé Jojo (do Scarlett Johansson thủ vai). Ở người mẹ này có một sự mạnh mẽ nhưng dịu dàng, mềm mỏng nhưng cứng rắn. Đứa con trai của cô tuy chỉ mới 10 tuổi nhưng thể hiện lòng yêu nước chất ngất cùng với niềm tin, lý tưởng hừng hực trong trái tim. Cô đành phải thú nhận rằng, cậu bé là một đứa cuồng tín. Sinh ra ngay trong cái nôi của chiến tranh và được tuyên truyền những tư tưởng cách mạng “vĩ đại” bởi thế đứa trẻ mang những cá tính đặc biệt mà cha mẹ chúng cũng chẳng thể thay đổi được.
- Có lần Rosie và con trai đi ngang qua quảng trường, nơi người ta treo cổ thị chúng những phạm nhân trong thành phố, đó thường là những người chứa chấp hoặc liên quan đến người Do Thái. Cậu bé Jojo kinh sợ quay mặt đi, nhưng Rosie vẫn muốn con mình nhìn thẳng vào họ, nhìn thẳng vào sự thật trần trụi rằng: thực ra phát xít rất ác độc. Người mẹ không cần nói, chẳng cần rao giảng, vì cô biết con trai mình rất cuồng tín, nhưng sâu thẳm thì cậu bé cũng chỉ là một đứa trẻ ngây thơ đầy sợ hãi. Bởi thế, chỉ cần để cậu quan sát sự vật sự việc, ắt sẽ có cảm nhận của riêng mình.
- Rosie thường xuyên cúi xuống buộc dây giày cho con. Đây chỉ là chi tiết nhỏ không đáng chú ý. Nhưng mỗi khi làm như thế, người mẹ này luôn nói với con trai mình: rồi đến lúc con sẽ phải tự làm việc này nhé con trai. Và lần đầu tiên cậu bé buộc dây giày cho ai khác, đó chính là khi mẹ cậu đang bị treo lơ lửng trước quảng trường, cậu đã đến ôm chầm lấy chân mẹ và buộc dây giày cho mẹ. Mẹ cậu đã bị xử tử vì tội rải truyền đơn phản đối chiến tranh. Lần thứ hai Jojo buộc dây giày là cho người bạn gái Do Thái của mình. Chính những hành động nho nhỏ mà mẹ cậu làm cho cậu, đã hình thành nên một đấng nam nhi thứ thiệt. Buộc dây giày là thể hiện tình yêu thương, quan tâm của mình đối với người khác. Người mẹ không cần nói, cô chỉ thực hiện và rồi đứa con mình sẽ bắt chước theo.
- Vì người cha vắng nhà, nên Rosie thỉnh thoảng sẽ đóng vai một người cha mà Jojo cần. Jojo nghĩ rằng mẹ không hiểu mình, giữa mình và mẹ có sự bất đồng quan điểm và chỉ có cha cậu mới hiểu được cậu. Ngay lúc đó Rosie đã đóng giả thành người cha, nói năng hành động y chang như cha của Jojo, hiện đang đi xa làm nhiệm vụ. Thông qua cuộc hội thoại với “người cha đóng giả” này, cậu bé Jojo nhận ra là mẹ mình cũng hiểu mình và cũng quan tâm đến mình như cha vậy.
- Đối với trẻ con, người lớn chính là tấm gương phản chiếu rõ ràng nhất. Adolf Hitler từng là thần tượng, là lý tưởng mà cậu bé Jojo luôn theo đuổi với một niềm tin bất khuất. Cậu bé còn được truyền bá và tiêm nhiễm rằng người Do Thái là những loài xấu xa, có sừng, mông muội các kiểu… Nhưng rồi cậu bé đã được tiếp xúc với cô bạn Do Thái, nhận thấy rằng cô ấy không có vẻ gì là xấu cả, cậu cũng cảm mến cô. Khi cuộc chiến kết thúc, quân đồng minh Nga, Mỹ tràn vào, Hitler tự sát… bao nhiêu biến cố đã thức tỉnh Jojo nhận ra sự thật. Từ “Hail Hitler” được tung hô ở đầu phim, chuyển thành “Fuck off Hitler” ở cuối phim. Khi cố truyền bá tư tưởng gì vào đầu người khác, nhất là với trẻ nhỏ, thì chỉ có một cách là chúng ta hãy làm đúng như vậy, chúng ta là tấm gương để chúng nhìn vào, học hỏi, và nhận ra nhiều thứ.
Bộ phim kết thúc với điệu nhảy tự do của Jojo và Elsa, trong nền nhạc vui tươi đầy dí dỏm, người xem không cần phải có những cảm giác xúc động đến rơi lệ bởi đề tài là thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, chính sự hài hước vui tươi của bộ phim lại là cách để thể hiện tinh thần phản chiến, cũng như nổi bật lên sự đau thương tang tóc của chiến tranh. Chẳng ai muốn sống trong chiến tranh, ngay cả đó là người Đức. Để có được một điệu nhảy vô tư trên đường phố, bao máu đào đã đổ xuống, bao lý tưởng được dựng lên để rồi ngã rạp dưới lý tưởng duy nhất, là “tự do”.