Đẹp, ở quê phong cảnh hữu tình, không khí trong lành, xe cộ thưa thớt, đường phố sạch sẽ. Đẹp hơn thành phố là cái chắc.
Nhưng ta đâu có bỏ phố về quê để nghỉ dưỡng, phải không? Dù mục đích ban đầu bạn muốn về quê vì điều gì chăng nữa, điều cốt lõi là bạn vẫn phải sống một cuộc sống với đầy đủ gia vị của nó. Và cuộc đời thì không luôn luôn đẹp.
Mình xin kể một vài trường hợp mình quan sát làm câu chuyện trà dư tửu hậu để ta cùng bàn luận việc “bỏ phố về quê” nhé. Tuy nhiên, mình sẽ đánh giá từng trường hợp theo quan điểm của mình, để bạn hiểu rằng, đẹp hay không đẹp, còn tuỳ vào cách mỗi người đối diện và thích nghi như thế nào.
Trường hợp thứ nhất:
Cô bạn mình, năm 29 tuổi bỏ một công việc lương cao nhiều áp lực ở thành phố để về quê điều hành việc kinh doanh buôn bán của gia đình. Cũng trong thời điểm đó bạn chia tay mối tình sâu đậm ở thành phố vì hai người dần dần khác nhau về quan điểm sống. Bạn về quê tìm vui trong nhịp sống chậm rãi, tập đối diện với lời hỏi thăm “bao giờ có chồng” của bà con hàng xóm. Bạn tập yoga và thiền để cân bằng tâm lý trước cú sốc thay đổi môi trường, từ một nơi nhịp sống nhanh, tất bật, không đủ thời gian cho bản thân, đến một nơi mà thời gian dường như rất thừa thãi, lối sống chậm chạp và có phần già cỗi, dân trí vẫn còn chậm mấy nhịp so với thành phố. Nhưng rồi bạn đã sống ở quê được 3 năm và dần dần thích nghi với lối sống ở đây. Chỉ có một điều cho đến giờ vẫn làm bạn trăn trở.
Mình thỉnh thoảng nhắn tin trò chuyện, và nhận ra bạn đã thay đổi nhiều so với lúc mới trở về. Tính tình của bạn đằm thắm hơn, nói chuyện sâu sắc hơn. Bạn học cách chấp nhận được nhiều thứ và yêu lấy cuộc sống có phần chậm chạp, buồn tẻ ở quê. Bạn tự tìm lấy những thú vui mà không phụ thuộc nhiều vào ngoại cảnh, như đọc sách, trồng cây, thiền, chăm sóc gia đình. Điều trăn trở duy nhất của bạn hiện nay là làm sao để ba mẹ yên lòng khi đã qua hàng 3 mà vẫn chưa có được mối nhân duyên nào ổn áp để tính chuyện lâu dài. Ở quê, tuy không phải là ít người nhưng cơ hội gặp gỡ được đúng người cần gặp sẽ hạn chế hơn.
Ngày trước khi ở thành phố, cô bạn mình vốn là người rất năng động, rất dễ kết bạn và khá nhiều mối quan hệ. Khi về quê, bạn kể cho mình rằng những mối quan hệ thu nhỏ lại, bạn cũng ít cơ hội được gặp gỡ tiếp xúc với những chàng trai cùng độ tuổi và còn độc thân. Đó là cái thiệt thòi của những người bỏ phố về quê, vì rõ ràng ở quê dân số ít thì cơ hội ít.
Nhưng với quan điểm của mình, nếu cố gắng tìm kiếm bạn cũng có thể gặp được người ấy. Giống như khi bạn đi mua thực phẩm ở Vinmart và đi chợ vậy. Ở Vinmart tuy ít thứ để chọn lựa nhưng nếu bạn cần mua bí đỏ và ở trong đó có bán bí đỏ, vậy là bạn mua được mà không cần phải lăn tăn gì cả, tuy rằng nếu đi chợ bạn có thể sẽ có nhiều lựa chọn hơn là bí đỏ, có thể biết đâu bạn lại chuyển sang thích bí đao và rồi đứng cả buổi ở chợ để phân vân nên chọn bí đỏ hay bí đao. Khi người ta ít lựa chọn hơn, tự dưng họ lại tìm đúng thứ mình cần hơn.
Thực ra kể như vậy nhưng cô bạn mình vẫn luôn sống lạc quan, an vui và vẫn tạo cơ hội để gặp gỡ những người tốt, phù hợp trong vòng tròn bạn bè ở quê. Mình cảm thấy bạn đã đủ độ chín cả về tâm thức lẫn định vị bản thân và sớm muộn mảnh ghép còn lại cũng sẽ đến với bạn. Cho nên việc bỏ phố về quê của bạn đến nay là một thành công mà ít người làm được.
Trường hợp thứ hai:
Mình có một đứa em. Năm 25 tuổi bỗng thấy thành phố quá ngột ngạt và bon chen không nổi rồi cũng dọn đồ đi về quê ở với ba mẹ. Một cái sai lầm ở lứa tuổi đó là chưa định hình được bản thân muốn gì, cần gì, mà chỉ biết mình thích gì rồi lao đầu đi theo. Trong mộng tưởng của kế hoạch về quê, nó sẽ mở một tiệm studio trang điểm, vì đó là đam mê mà nó theo đuổi rất tốn kém cả tiền bạc lẫn công sức. Tuy vậy khi ở Sài Gòn, một thành phố năng động và đầy cơ hội, nó lại không tận dụng để tạo lập sự nghiệp cho mình, mà lại chuyển hành trình lập nghiệp đó về quê - một nơi ít tiềm năng và cơ hội hơn. Về quê, gia đình không có điều kiện hỗ trợ mở studio, nên nó vẫn làm thợ make up tự do đến nay đã được 4 năm.
Trong hai năm đầu, công việc tuy không đạt mức thu nhập cao nhưng cũng khá thuận buồm xuôi gió. Nhờ việc quảng bá là một người từ thành phố trở về, với tay nghề cao và giá cả phải chăng nên lượng khách cũng đều đặn. Nhưng rồi mọi thứ bắt đầu bão hoà khi ở quê cũng có nhiều thợ tay nghề cao, cũng từ thành phố chuyển về, gia đình lại có điều kiện để mở salon lớn, chuyên nghiệp, kết hợp chụp ảnh, cho thuê váy cưới, trọn gói hết toàn bộ dịch vụ cưới. Và đứa em mình, bị thất thế vì chưa kịp gom đủ vốn liếng cạnh tranh với thị trường. Lượng khách không ổn định và thu nhập bấp bênh, khiến nó phải đi làm thêm công việc khác, và rồi công việc mà nó đam mê và muốn làm nhất, chứa đựng nhiều hoài bão nhất lại trở thành công việc phụ. Và trong năm ngoái khi dịch Covid bùng phát, công việc của em mình bị ảnh hưởng rất nhiều, khiến nó gần như suy sụp.
Ở quê, các mối quan hệ bạn bè của em mình là những người bạn cấp hai, cấp ba, đa phần đều đã lập gia đình và tạo lập sự nghiệp xong xuôi. Bởi họ chọn ở lại quê từ khi tốt nghiệp phổ thông và định hình con đường nghề nghiệp từ sớm, cho đến độ tuổi 27-28 đa số họ cũng có một công việc ổn định, có vợ chồng con cái đề huề. Em mình khi giao lưu với những người đó thì bắt đầu nhìn lại bản thân và cảm thấy chông chênh về lựa chọn mà nó đã từng rất tâm huyết. Lại thêm xung quanh nhiều người hỏi han về chuyện lấy chồng khiến nó càng cảm thấy áp lực. Và rồi những mối quan hệ bạn bè cũng dần dần không làm cho nó phát triển lành mạnh hơn mà chỉ tụ tập ăn chơi tốn kém.
Bạn biết đó, khi chấp nhận về quê, ta phải hình dung trước cả những điều không mấy vui vẻ, không mấy tốt đẹp, chứ đâu phải bỏ phố về quê thì sẽ có cuộc sống êm đềm không bon chen. Sự bon chen, đố kị, hơn thua, soi mói, cạnh tranh… luôn thường trực trong cuộc sống dù ta ở bất cứ đâu. Khi về quê, em mình hẳn sẽ chưa tưởng tượng rằng một ngày nào đó công việc sẽ bất ổn, các mối quan hệ độc hại vẫn tồn tại, những bất cập mà nó nghĩ ở thành phố mới có, thì ở quê vẫn xuất hiện (như nạn cướp điện thoại, vượt đèn đỏ, hoặc sự gièm pha nói xấu của bạn bè, đồng nghiệp…)
Suy cho cùng, sống ở đâu không quan trọng bằng sống như thế nào. Em mình vẫn có thể lựa chọn lại để thích nghi hơn với cuộc sống quê nhà, lọc đi những mối quan hệ không bổ ích, tập trung nghiêm túc hơn cho sự nghiệp vì ở đâu cũng có cạnh tranh cả, dù ở quê mức độ cạnh tranh đỡ khốc liệt hơn thành phố. Em mình cũng phải nâng cao trí lực để có thể tái lập sự nghiệp ở quê, đồng thời để gia tăng cơ hội cho bản thân.
Về quê, có được nguồn thực phẩm xanh, an lành, có được khí hậu dễ chịu, không khí trong sạch, được sống gần cha mẹ, có nhiều thời gian cho bản thân hơn. Nhưng ngược lại, cũng sẽ phải chấp nhận những phiền phức do lựa chọn đó mang lại. Nếu xác định bỏ phố về quê, ta nên cân nhắc kỹ lưỡng vì không chỉ có một màu hồng tươi đẹp đang chờ đón mà thôi.
Trường hợp thứ ba:
Một người bạn mình quen biết từng ấp ủ ước mơ làm homestay trên Đà Lạt, một thành phố quá tuyệt vời về khí hậu và thực phẩm phải không. Bạn đã gom hết tiền bạc chắt chiu dành dụm sau 5 năm đi làm, và vay mượn bố mẹ thêm một ít. Bạn mua một miếng đất nhỏ và xa thành phố, chủ yếu để được giá rẻ. Và trước khi dịch Covid xảy ra bạn cũng đã định cư ở Đà Lạt được chừng một năm với cái homestay nhỏ xinh tự tay thiết kế của riêng mình, mà bạn cũng vẫn còn đang nợ tiền vay để xây nó.
Một thời gian sau đó homestay của bạn cũng có một số khách quen, đa số là bạn bè, người thân từ Sài Gòn lên chơi. Bạn trồng rau, cải tạo homestay dần dần thành một nơi vừa ở vừa kinh doanh, với ý định sẽ sống ở Đà Lạt đến già luôn.
Bạn bắt đầu yên ổn với lựa chọn của mình thì đùng một cái dịch Covid kéo đến, ngành du lịch điêu đứng. Thực ra mà nói, ngành du lịch điêu đứng thì dù ở thành phố, nông thôn gì cũng bị ảnh hưởng, nhất là những thành phố du lịch như Đà Lạt. Nhưng sau này khi bạn kể thì mình biết thêm là, những tháng trước đại dịch, bạn cũng đã điêu đứng rồi. Bởi thành phố Đà Lạt bây giờ dường như đã bão hoà về homestay. Những chủ homestay phải làm đủ mọi cách để có lượng khách ổn định, hoặc ít nhất, những mùa đông khách có thể bù được chi phí cho những mùa vắng khách. Nhưng homestay của bạn sức chứa không cao, lại ở nơi xa xôi, bạn phải xoay xở khá chật vật với dòng vốn, với việc marketing, cân đối thu chi…
Vì homestay bây giờ là miếng cơm manh áo của bạn. Bạn có sống ở Đà Lạt thì cũng cần có tiền để chi tiêu cơ mà. Rất nhiều chuyện bạn mình trải nghiệm qua rồi mới hiểu, chứ không mơ mộng như trước khi lên Đà Lạt nữa. Trước khi lên bạn tưởng rằng chỉ cần mình kiếm đủ tiền để chi tiêu hàng ngày, rau tự trồng, gà tự nuôi, nhu cầu co kéo lại cũng vừa đủ. Nhưng bạn còn khoản nợ xây homestay, bạn cần có quỹ tiết kiệm khi khẩn cấp, bạn thấy homestay thiếu cái này cái kia bạn cần phải bồi đắp thêm cho nó, bạn cần tiền chứ không phải chỉ sống một cuộc sống rau cháo qua ngày nữa.
Đại dịch đến, bạn bán lại đồ đạc, và sang nhượng lại nguyên căn homestay cùng miếng đất trên Đà Lạt để xuống lại thành phố kiếm việc. Cũng may vừa trả được nợ và giờ có thể bắt đầu lại từ đầu. Bạn cảm thấy cần đi làm kiếm thêm nhiều vốn liếng và kinh nghiệm hơn nữa rồi mới bỏ hẳn thành phố được.
Nhưng với mình, bạn cũng đã có một kinh nghiệm xương máu không thể mua bằng tiền, đó là kinh nghiệm kinh doanh homestay. Ít ra việc đó cũng đem lại cho bạn một trải nghiệm xứng đáng, không mất mát quá nhiều. Mất tiền mà học được bài học lớn thì vẫn còn rẻ. Cảm thấy không học được thêm gì từ Đà Lạt nữa mà còn có nguy cơ chìm ngập trong nợ nần, thì trở lại thành phố, đi làm thuê và học hỏi tiếp là một quyết định đúng lúc. Bởi vì, thành phố hay ở quê không quan trọng bạn sống như thế nào.
Kết:
Phố hay quê chỉ khác nhau ở điều kiện và môi trường sống, còn việc thiết lập cuộc sống của bạn thì dù ở đâu cũng như nhau cả. Bạn đi làm, hay tự kinh doanh, bạn độc thân hay có gia đình, thì những áp lực của công việc, của mưu sinh, những lịch trình dành cho đi lại, ăn uống, sự thiết lập các mối quan hệ, sự lựa chọn bạn đời và tìm niềm vui trong cuộc sống cũng tương đồng như nhau. Vì bạn là chính bạn, bản chất của bạn sẽ không thay đổi hoàn toàn khi bạn ở thành phố, hay khi ở quê mà là bạn có khả năng thích nghi ở đâu tốt hơn mà thôi. Cả việc học hỏi, phát triển bản thân, bạn có thể học ở nơi hẻo lánh khỉ ho cò gáy nào đó chứ không hẳn phải lên thành phố mới học được, tuy rằng ở thành phố điều kiện dễ dàng cho bạn truy cầu những kiến thức mới nhất, gặp gỡ được nhiều người ở nhiều tầng lớp và may mắn gặp được người giỏi thì bạn học được nhiều hơn, nhưng vấn đề vẫn là ở bản thân chính chúng ta mà thôi.
Kể một câu chuyện dài như vậy để bạn nhận ra rằng “bỏ phố về quê” không phải là một quyết định dễ dàng “nói là làm” như việc ta xách ba lô lên và đi du lịch đâu. Và nó có đẹp hay không, tuỳ vào bạn có chuẩn bị kỹ lưỡng và đón nhận nó bằng tất cả tâm thức của bạn, với tất cả sự linh hoạt thích nghi của bạn hay không nữa.
Hãy mơ một giấc mơ lớn, nhưng tính toán từng hành động nhỏ, nhé bạn.